Hạ viện Mỹ tăng sức ép lên Tổng thống

Cuộc chiến giữa Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục gay cấn sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, các cuộc điều trần luận tội đã đưa ra các bằng chứng để loại Tổng thống Donald Trump khỏi chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và Tổng thống Donald Trump
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và Tổng thống Donald Trump

Lời cảnh cáo

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự kiến tham dự cuộc họp kín với các lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện vào ngày 14-1 (giờ địa phương), để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu chính thức theo yêu cầu, nhằm gửi hai bản luận tội đã được Hạ viện thông qua tới Thượng viện. Bà Pelosi đã bảo vệ hai điều khoản luận tội trên kể từ khi Hạ viện luận tội Tổng thống Donald Trump vào ngày 18-12-2019, với cáo buộc ông Donald Trump gây sức ép đối với Ukraine nhằm mở cuộc điều tra về ông Joe Biden - đối thủ nặng ký trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 và cản trở cuộc điều tra của Quốc hội tiếp sau đó. Hạ viện đã thu thập thêm nhiều bằng chứng mới củng cố cáo buộc chống lại ông Donald Trump, bao gồm nhiều email.

Theo Hiến pháp Mỹ, Thượng viện sẽ quyết định kết quả luận tội tổng thống. Thực tế cho thấy, cáo buộc của Hạ viện khó gây nhiều ảnh hưởng đến Tổng thống Donald Trump bởi nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa kỳ cựu như Mitch McConnell, Lindsey Graham đều lên tiếng bảo vệ tổng thống và khẳng định đảng Cộng hòa sẽ không thay đổi lập trường, dù nhân chứng quan trọng là nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton có điều trần hay không. Do đó, phiên tòa tại Thượng viện nhiều khả năng sẽ diễn ra với việc các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có đủ số phiếu bác bỏ những cáo buộc nhằm vào Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã cảnh báo nếu tiếp tục ngăn các thủ tục tố tụng, đảng Cộng hòa sẽ phải trả giá chính trị.

Chưa có lợi thế

Trong khi đó, bất chấp quá trình thu thập bằng chứng luận tội đang diễn ra tại Hạ viện Mỹ, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã huy động được 46 triệu USD trong quý 4 năm 2019, một con số ấn tượng nhờ làn sóng tài trợ tiếp tục tăng cao. Số tiền trên phần nào mang lại cho đương kim tổng thống một lợi thế so với loạt ứng viên của đảng Dân chủ đang chạy đua để giành sự đề cử của đảng này. Chiến dịch tái tranh cử của ông Donald Trump bước vào năm 2020 với số tiền mặt lên đến 102,7 triệu USD. Số tiền này sẽ giúp ông cạnh tranh tốt hơn ở những tiểu bang khác ngoài các bang đã đưa ông tới chiến thắng vào năm 2016. Kết quả huy động ngân sách tranh cử khả quan của ông Trump có thể đến từ việc ông giữ nguyên bộ máy vận động tranh cử sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017. Vừa lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch tái tranh cử, duy trì hoạt động của cỗ máy vận động tranh cử, thay vì dừng hoạt động bộ máy này như các tổng thống tiền nhiệm. Cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ sẽ diễn ra ở bang Iowa chỉ sau hơn 1 tháng nữa. Người đại diện cho đảng Dân chủ sẽ là đối thủ trực tiếp của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Nhận định về cơ hội giành lợi thế của Tổng thống Mỹ, theo giới chuyên gia phân tích của Tập đoàn tài chính Morgan Stanley, chưa có dấu hiệu chắc chắn cho thấy ông Donald Trump tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay để có nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Lý do là dù duy trì thành tích kinh tế tốt, nhưng kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Donald Trump không cao. Ngoài ra, còn có rất nhiều rủi ro khác đối với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump như việc ông ra lệnh không kích sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể leo thang trở lại; cũng không loại trừ những diễn biến mới trong tiến trình luận tội ông Donald Trump tại Thượng viện Mỹ.

Tin cùng chuyên mục