Hạ tầng giao thông: Đột phá về diện mạo

Hàng loạt công trình giao thông hiện đại đã được đưa vào khai thác khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, tạo ra một diện mạo giao thông hoàn toàn mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước. 
Hệ thống giao thông liên hoàn tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Hệ thống giao thông liên hoàn tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đó là kết quả mà ngành giao thông đã đạt được khi nỗ lực thực hiện những mục tiêu trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2015-2020.

Mạng lưới đường cao tốc đang tỏa khắp đất nước

Tính đến thời điểm này, ngành giao thông đã hoàn thành mục tiêu xây dựng 1.074km đường cao tốc trong 10 năm giai đoạn 2011-2020, trong đó chủ yếu hoàn thành ở giai đoạn 5 năm trở lại đây và nâng tổng số chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km.

Cụ thể, khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến đường hướng tâm tới thủ đô Hà Nội, tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương và đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Liên Khương - Đà Lạt.

Bên cạnh mạng lưới cao tốc, hệ thống đường quốc lộ cũng được nâng cấp mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau và kéo dài đến Năm Căn, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng được mở rộng, nâng cấp…

Cùng với đường bộ, dấu ấn đáng kể của hạ tầng giao thông còn thể hiện ở sự bứt phá của lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải với hàng loạt công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn đã được triển khai.

Đặc biệt, một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn đã được đưa vào khai thác như cảng cạn: ICD Trường Thọ (TPHCM), ICD Hải Linh (Việt Trì), ICD Bắc Kỳ (Bắc Ninh) làm thay đổi về chất dịch vụ vận tải hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu. Năm 2020, Bộ GTVT đã động thổ cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, thuộc dự án “Phát triển giao thông khu vực đồng bằng Bắc bộ”(WB6) - một dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy khu vực phía Bắc.

Hệ thống cảng biển cũng được đầu tư đồng bộ. Trong đó, 2 cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải ( Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lạch Huyện (Hải Phòng) đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn đến 200.000 tấn đi thẳng tới bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu. Các cảng hành khách tại Phú Quốc, Hạ Long cũng có khả năng tiếp nhận tàu chở khách lớn nhất thế giới. 

Về lĩnh vực hàng không, 5 năm qua chúng ta cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ với sự nâng cấp, cải tạo các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây mới cảng hàng không Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất toàn mạng cảng hàng không Việt Nam đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm.

Hạ tầng giao thông: Đột phá về diện mạo ảnh 1 Cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh thông xe ngày 1-9-2018. Ảnh: VIẾT CHUNG
Năng lực kết cấu hạ tầng liên tục tăng bậc

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sự bứt phá về hạ tầng giao thông trong 5 năm qua đã góp phần tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, giảm chi phí vận tải, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, cho thấy chất lượng và năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam liên tục tăng bậc qua từng năm. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, để tiếp tục sứ mệnh “đi trước mở đường”, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hoàn thành các mục tiêu mới mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, ngành giao thông đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể và những giải pháp đồng bộ.

Theo đó, ngành giao thông phấn đấu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.858km đường cao tốc, cơ bản kết nối đường cao tốc với các trung tâm tỉnh lỵ, cảng biển, cửa khẩu biên giới, cảng hàng không, tạo nên một hệ thống liên hoàn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Một trong những định hướng mới trong thời gian tới là ngành giao thông sẽ không dồn sức mở rộng quốc lộ hiện hữu (do chi phí đền bù rất cao, thường tạo điểm nóng gây bức xúc cho người dân) mà tập trung xây dựng các tuyến đường song hành.

Bên cạnh đó, ngành giao thông sẽ triển khai đúng tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao…

“Chúng tôi cũng sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội cố gắng huy động các nguồn lực, bao gồm cả ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội để sớm hình thành hệ thống GTVT tương đối tốt ở các vùng còn thiếu điều kiện cơ sở hạ tầng như miền núi Tây Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định. Như vậy, diện mạo giao thông đất nước chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới trong 5 năm tới.

Tin cùng chuyên mục