Hà Nội ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3

Mặc dù không nằm trong tâm bão nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên trên địa bàn Hà Nội đã có mưa to, gió lớn kéo dài gây ngập lụt, đổ cây và sạt lở đê tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3 ảnh 1 Mưa lớn, gây ngập tại Hà Nội. Ảnh: MXH
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ đêm ngày 2 và cả ngày 3-8 trên địa bàn Hà Nội đã có mưa lớn gây ngập lụt tại nhiều tuyến phố trong nội thành từ 0,3m đến 0,5m, như đường: Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Thái Hà, Chùa Bộc, Đội Cấn Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Phan Bội Châu, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Nại... Mưa lớn cùng gió to cấp 6-7 cũng đã làm cho nhiều cây xanh trên nhiều tuyến phố bị gãy, đổ, bật gốc làm ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân.
Hà Nội ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3 ảnh 2 Bão số 3 gây ngập lụt tại nhiều khu dân cư và nhiều tuyến đường của Hà Nội

Liên quan đến thiệt hại về đê điều, thủy lợi do bão số 3, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 1 sự cố đê điều tại huyện Thường Tín. Theo đó, tại vị trí K94+300 đến K94+500 đê hữ Hồng thuộc xã Tự Nhiên đã xảy ra sự cố sạt lở cách đê sông Hồng 500m và cách chân đê bối xã Tự Nhiên 120m. Chiều dài sạt lở khoảng 140m tại 3 vị trí, tạo thành vách dựng đứng có chiều cao từ 3 - 5m. Trong đó, có 1 vị trí sạt lở sát vào móng công trình phụ của 1 hộ dân.

Hà Nội ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3 ảnh 3 Một cây xanh lớn bị đổ ra đường do ảnh hưởng bão số 3

Truớc tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 gây mưa lớn trên địa bàn Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra công tác quản lý, vận hành tại Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Vân Đình và Yên Sở là 3 trạm bơm tiêu lớn có vai trò quan trọng đối với việc điều tiết nước và tiêu úng cho Hà Nội.

Kiểm tra tại Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông và xã Đông La, huyện Hoài Đức) là công trình trọng điểm có nhiệm vụ tiêu úng cho 6.300ha của huyện Hoài Đức và các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, đồng thời, khớp nối với các Trạm bơm tiêu Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây của Hà Nội; đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị cán bộ, công nhân viên Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa duy trì ứng trực 24/24 giờ, bám sát tình hình thời tiết, trước mắt chủ động tiêu nước đệm để hạ mực nước lưu vực sông Nhuệ, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước nhanh nhất khi có mưa lớn.

Về tổng thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công, mở rộng kênh La Khê, giúp nâng cao khả năng tiêu úng cho sông Nhuệ. Đồng thời, chuẩn bị kỹ hồ sơ, chuyển đổi hình thức đầu tư để sớm triển khai các dự án Trạm bơm Liên Mạc và Trạm bơm Đông Mỹ, từ đó, hỗ trợ, khớp nối hệ thống tiêu thoát nước chung của Hà Nội.

Hà Nội ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3 ảnh 4  Đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra tại Trạm bơm tiêu Vân Đình

Tiếp đó, kiểm tra tại Trạm bơm tiêu Vân Đình (ở huyện Ứng Hòa) và Trạm bơm Yên Sở (quận Hoàng Mai), Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân viên tại 2 đơn vị này duy trì ứng trực, thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị để đảm bảo luôn trong tình trạng sẵn sàng vận hành tốt nhất.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác dự báo để xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành phù hợp, nhằm chủ động tiêu thoát nước một cách nhanh nhất khi xảy ra các trận mưa cực đoan, vượt dự báo. Chủ động xây dựng các phương án điều tiết mực nước, trước mắt là tiêu nước đệm cho khu vực nội thành để sẵn sàng ứng phó khi có mưa lớn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp nên các công ty thủy lợi, công ty thoát nước cần bám sát diễn biến thời tiết, duy trì ứng trực 24/24 giờ, chủ động các phương án để sẵn sàng bơm tiêu úng và tiêu thoát nước ở cả khu vực nội thành và ngoại thành, giảm thiểu thấp nhất các điểm úng ngập cũng như thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Hà Nội ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3 ảnh 5 Công ty Thoát nước Hà Nội huy động công nhân và máy móc tiến hành tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập trên địa bàn Hà Nội

Để khác phục thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3 gây ra trên địa bàn Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội đã bố trí 100% nhân lực với trên 2.300 cán bộ, công nhân viên và 200 đầu máy, thiết bị cơ giới hoạt động tại các vị trí đã được phân công, nhất là khu vực nội đô nhằm tiêu thoát nước nhanh nhất tại các điểm úng ngập trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết đã có hơn 100 cây xanh bị đổ ra đường do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Để nhanh chóng di dời cây khỏi hiện trường, phía công ty đã huy động lực lượng cùng phương tiện máy móc, tiến hành cưa cành, cắt khúc thân cây để dẹp vào lề đường hoặc cho xe chuyên chở cây, cành đến nơi quy định. Đồng thời công ty cũng đang bố trí các nhân viên chằng chống thêm đối với những cây có nguy cơ bị đổ để hạn chế thiệt hại do cơn bão số 3.

Hà Nội ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3 ảnh 6 Công nhân Công ty Cây xanh Hà Nội thu dọn những cây bị đổ do bão số 3 

Về phía Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hà Nội đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí đã được dự đoán trước có thể gây ngập úng, cây đổ tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào trung tâm Thủ đô để kịp thời hỗ trợ, phân luồng giao thông.

Đồng thời, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, công an các quận, huyện, phường, xã chống ngập, kịp thời xử lý các xử cố trên đường để đảm bảo giao thông đi lại an toàn.

Tin cùng chuyên mục