Hà Nội bỏ quy định “làm khó” người dân khi ra đường đi làm trong lúc giãn cách

Sáng 10-8, UBND TP Hà Nội có công văn gửi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương trên địa bàn thành phố và các quận huyện làm rõ và yêu cầu thực hiện việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29-7).

Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương trên địa bàn thành phố; Cơ quan ngoại giao, Tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố; Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố: Người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty; Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

Để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về giãn cách của các đơn vị trên địa bàn và tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch, sau đó gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).

Hà Nội bỏ quy định “làm khó” người dân khi ra đường đi làm trong lúc giãn cách ảnh 1 Hà Nội bỏ quy định yêu cầu người dân khi ra đường phải có văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị quản lý và chứng nhận của chính quyền địa phương

Việc xác nhận của UBND cấp phường, xã cần được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở. Đối với các trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động cần bố trí nhiều lao động đến làm việc, UBND cấp phường, xã chủ động phối hợp, cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với đơn vị tại địa điểm để thống nhất phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch và xác nhận danh sách người lao động cần lưu thông trên đường, làm cơ sở để thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động.

Các lực lượng, các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát và liên thông thông tin để phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị xử lý các đơn vị cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích trong thời gian giãn cách. Yêu cầu các lực lượng thực hiện tốt, linh hoạt, tránh gây ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch và trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Trước đó vào khuya ngày 8-8, UBND TP Hà Nội đã có công văn về siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội, trong đó yêu cầu khi đi ra đường người dân phải xuất trình giấy đi đường đúng mẫu ban hành cùng các giấy tờ như: căn cước công dân, lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị quản lý và chứng nhận của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên do thời gian quá gấp nên nhiều người ra đường dù có giấy đi đường nhưng không thể có được lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị quản lý và chứng nhận của chính quyền địa phương nên đã bị lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát giữ lại, xử lý gây nên tình trạng ùn ứ tại nhiều nơi vào sáng 9-8, khiến người dân bức xúc, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục