Gượng dậy sau bão lũ

Tranh thủ trời tạnh ráo, người dân miền Trung chung tay khắc phục hậu quả để gượng dậy, sớm ổn định đời sống sau 2 tháng trời bão dồn, lũ dập triền miên. Việc tái thiết sản xuất của bà con khó nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng sản xuất bị tàn phá nghiêm trọng, các loại giống cây trồng, vật nuôi cũng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Bà Nguyễn Thị Lai (xã Cẩm Linh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xót xa vì ốc hương nuôi bị chết trắng sau mưa lũ. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Bà Nguyễn Thị Lai (xã Cẩm Linh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xót xa vì ốc hương nuôi bị chết trắng sau mưa lũ. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Thiệt hại lớn

Xứ Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) là nơi có diện tích và số hộ dân nuôi ốc hương lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh. Bão lũ liên tiếp từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 khiến toàn bộ 3 hồ ốc hương với diện tích 1,6ha ở xứ Cồn Vạn của ông Nguyễn Văn Hảo (50 tuổi, xã Cẩm Lĩnh) chuẩn bị thu hoạch bị chết hoặc bị cuốn trôi. Vớt mớ ốc chết dưới đáy bùn lên, ông Hảo rầu rĩ: “Năm 2019, tôi cầm cố giấy tờ nhà đất cho ngân hàng rồi vay mượn thêm người thân để nuôi ốc hương. Nhưng mưa lũ, dịch dã đã khiến 10 tấn ốc chết, thiệt hại 2,3 tỷ đồng. Năm nay, tôi tiếp tục vay mượn, huy động 1,5 tỷ đồng để nuôi ốc hương, hy vọng vớt vát nợ nần, nhưng giờ thì lũ bão đã cướp, phá hết mọi thứ”. Ở xứ Cồn Vạn này còn có hộ các ông Lê Xuân Diệu (50 tuổi), Trần Mạnh Quang (53 tuổi) cũng rơi vào cơn bĩ cực sau lũ chồng lũ. Ông Diệu nói, lũ cuốn chết hết ốc hương, thiệt hại trên 2,3 tỷ đồng, chưa kể máy móc thiết bị. Hiện ông Diệu nợ ngân hàng 2 tỷ đồng, nhà cửa, đất đai cầm cố hết. Còn hộ ông Quang nợ ngân hàng 400 triệu đồng nhưng lũ đã cuốn chết 6 tấn ốc hương, thiệt hại 1,5 tỷ đồng. 

Sáng 16-11, cha con ông Trần Văn Cơ (56 tuổi, ở khu phố Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) buồn bã đánh ghe máy ra giữa vịnh Xuân Đài để tiếp tục dọn dẹp, khắc phục lồng ô nuôi tôm cá. Sau cơn lũ đêm 10-11, gia đình ông Cơ tổn thất trên 1 tỷ đồng. Hiện vợ chồng ông đang lo lắng nhất là khoản nợ 300 triệu đồng ở ngân hàng và nhiều khoản vay nóng bên ngoài khác, sợ chủ nợ đến xiết nhà. Cảnh ngộ của vợ chồng ông Cơ cũng giống như hàng trăm người dân nuôi trồng thủy hải sản khác ở vùng nuôi trồng thủy hải sản bậc nhất miền Trung, thị xã Sông Cầu này. Vẫn như bao cơn bão lũ trước, người nuôi tôm cá ở Sông Cầu lại âm thầm chịu đựng, cố vượt khó để khôi phục lại lồng bè, vay mượn tiền mua giống thả nuôi lại đàn tôm cá. Những hộ khấm khá sẽ giúp đỡ, san sẻ cho những hộ tổn thất do bão lũ, họ cùng dìu nhau gượng dậy. 

Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), người dân liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão biển, thiệt hại rất nặng nề. Từ sáng, bà Huỳnh Thị Tuyết (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) ra đồng dọn dẹp ruộng hành bị gió bão vò nát. Mấy hôm nay, vợ chồng bà Tuyết mất ăn mất ngủ, kiệt sức vì lo chạy bão. “Chưa có năm nào mà bão cứ nối nhau chạy vào miền Trung như năm nay. Cứ vài ngày nghe đài báo bão, rồi dân lại dắt díu nhau chạy. Gia đình tôi trồng 1.200m2 sào hành, vừa lên được 1 tháng thì bão cuốn sạch. Toàn bộ 300kg hành giống vừa gieo đã ngập trong nước hết rồi”, bà Tuyết than. Bên ruộng hành của bà Tuyết, ông Nguyễn Văn Có (cùng ở thôn Tây An Vĩnh) đang nhổ từng đám hành mới trồng bị gió bão đánh nát, vứt lên bờ, mặt mày buồn so. Ông Có kể, tôi có 3.000m2 trồng hành, trước bão số 9, tôi gieo hạt gần 2 tấn hành giống, đang kỳ lên củ thì bão vào cuốn phá tan tác. Giờ mới làm lại đất, gieo được một số hạt giống thì bão liên tiếp đổ vào vùi dập, giờ coi như trắng tay…

Từng bước khôi phục sản xuất 

Vụ mùa đông xuân tuy chưa đến, nhưng ngành nông nghiệp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đang tính đến phương án dời lịch thời vụ đến cuối tháng 12, vì bão lũ vẫn chưa dừng. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, 3 cơn bão số 9, 10, 12 khiến địa phương tổn thất 1.043 tỷ đồng, chủ yếu là nông nghiệp, chăn nuôi. Trước mắt, Bình Định kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương 543 tỷ đồng để khôi phục lại các hoạt động sản xuất, giúp dân ổn định đời sống. Trên những cánh đồng lũ ở hạ du sông Hà Thanh và huyện Tuy Phước (Bình Định) vào giữa tháng 11, nông dân đang tất tả cào xới, dọn dẹp rác rến để bước vào vụ mùa đông xuân. Bão lũ cũng khiến cảnh các đồng quê hạ du sông Trà Câu, Trà Khúc, Vệ, Trà Bồng (Quảng Ngãi) trở nên xơ xác. Lũ vừa rút, đồng mùa sa bồi thủy phá nặng. Giữa vùng ruộng lũ hạ du sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), bà Nguyễn Thị Huệ (54 tuổi) nói: “Dù thời vụ còn gần 1 tháng nữa mới xuống giống gieo sạ, nhưng do năm nay lũ bão hoành hành dữ quá nên đồng ruộng sa bồi, hư hại, rác rến chất đống. Nông dân chúng tôi tranh thủ ra đồng sớm để dọn dẹp rác, khắc phục sa bồi trên ruộng để kịp vụ mùa”. 

Xuôi về hạ lưu sông Bồ vào sáng 16-11, bà con nông dân đã ra đồng từ sáng sớm, tranh thủ trời mưa tạnh, nước rút để khắc phục bão lũ, từng bước khôi phục sản xuất. Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Phú (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết, đang huy động xã viên tranh thủ xuống đồng diệt chuột, dọn dẹp rác rến chuẩn bị vào vụ đông xuân, đồng thời khơi thông, tu sửa kênh mương, chuẩn bị xuống giống. Người trồng rau tại Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cũng xuống đồng làm đất, chuẩn bị sản xuất trở lại. Để giúp dân khôi phục sản xuất, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phân bổ khẩn cấp 1.000 tấn hạt giống lúa và 1,5 tấn hạt giống rau, xuất từ nguồn dự trữ quốc gia cho các huyện, thị xã và TP Huế. UBND tỉnh Quảng Trị phân bổ 100 tỷ đồng từ nguồn Trung ương hỗ trợ đến các địa phương để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

* Ưu tiên khôi phục chăn nuôi gia cầm

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị kiểm tra thực tế, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão lũ. Thứ trưởng lưu ý đến việc khôi phục chăn nuôi gia cầm vì chu kỳ sinh học ngắn, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó giúp bà con có thêm thu nhập; đồng thời thứ trưởng cho biết, bộ đang triển khai các phương án, kế hoạch hỗ trợ người dân, kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trong nước hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật dụng thiết yếu đến người dân để sớm ổn định sản xuất, khôi phục nền kinh tế khu vực miền Trung. 

Theo Bộ NN-PTNT, đến nay, các tỉnh miền Trung cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn bắp giống, 44,2 tấn hạt rau giống. Bộ NN-PTNT đã cấp phát hỗ trợ cho các địa phương khu vực miền Trung 18 tấn bắp giống, 10,8 tấn hạt rau giống. Bên cạnh đó, cấp 30.000 liều vaccine, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng. Đồng thời tổng hợp báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân sớm ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục