Gửi gắm ký ức và niềm tin

Sáng 14-4, Bảo tàng MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tiếp nhận hiện vật hiến tặng, với 2 nội dung: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại TPHCM. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Từ ngày 20 đến 25-2, Bảo tàng MTTQ Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát, gặp gỡ, làm việc với các tổ chức, cá nhân tại TPHCM nhằm vận động hiến tặng, ghi lại các câu chuyện của nhân chứng và thông tin về hiện vật. Đã có 8 tổ chức, 31 cá nhân đăng ký hiến tặng với tổng số 600 hiện vật. Đặc biệt, trong số hiện vật được hiến tặng lần này có bộ sưu tập gồm 20 bức tranh “Chân dung những người truyền cảm hứng” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của họa sĩ Lê Sa Long sáng tác, được trưng bày tại hội nghị để giới thiệu với công chúng. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ: “Những hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam lần này có số lượng lớn, phong phú về nội dung, đa dạng về chất liệu, có tính tiêu biểu. Đây là những chất liệu quan trọng để Bảo tàng MTTQ Việt Nam, bằng ngôn ngữ đặc thù, tái hiện và truyền tải tới xã hội những giá trị lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Sau hội nghị này, Bảo tàng MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức lập hồ sơ, thực hiện quy trình thẩm định, bảo quản lâu dài và lựa chọn những hiện vật phù hợp phục vụ trưng bày, triển lãm, giới thiệu cho đông đảo công chúng tham quan, nghiên cứu và học tập. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc các tổ chức, cá nhân trao tặng những kỷ vật cho bảo tàng là sự gửi gắm ký ức, tình cảm và sự kỳ vọng vào sự nghiệp giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Bộ tranh “Sài Gòn thời giãn cách”, “Chân dung những người truyền cảm hứng” gồm 20 nhân vật từ các vị lãnh đạo đất nước, TPHCM đến những nhân vật hết lòng vì cộng đồng khi TPHCM trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, được trưng bày tại hội nghị, thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan. Họa sĩ Lê Sa Long bày tỏ: “Góc nhìn của riêng tôi, nghệ thuật phải phục vụ cộng đồng và người họa sĩ cũng là một công dân, mỗi đường nét trong tranh cứ hiện lên như thực tế cuộc sống, như nhịp đập thành phố những ngày gồng mình chống dịch. Trong gian khó, tình người luôn hiện hữu thật đẹp và cao quý”.

Bên cạnh những câu chuyện trong thời gian chống dịch Covid-19 tại TPHCM vừa qua, kỷ vật từ những năm tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, như chiếc đài radio được bà Nguyễn Thị Hồng (nguyên cán bộ quân báo Công an vũ trang tỉnh Bến Tre) trao tặng hay áo le, lon guigoz do bà Trần Thị Mỹ Quý (nguyên cán bộ Đoàn Văn công Giải phóng) trao tặng… nhắc về một thời gian lao mà anh dũng, trong những ngày tất cả hướng về tiền tuyến lớn miền Nam, chờ mong nước nhà thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Gửi tặng bảo tàng bộ áo dài mình đã mặc đi làm thiện nguyện trong thời gian chống dịch Covid-19, NSND Kim Cương chia sẻ: “Nhìn lại những tấm hình, hiện vật trong tháng ngày gian nan ở thành phố vừa qua, đó là tình người, là nghĩa đồng bào. Nghệ sĩ chúng tôi nguyện góp một chút sức nhỏ bé của mình vào nhịp đập chung đó”.

Tin cùng chuyên mục