Gu thưởng thức của khán giả ngày càng cao

Vài năm trở lại đây, khi điện ảnh Việt bước vào cuộc đua thực sự sôi động, một trong những tín hiệu tích cực, đó là gu thưởng thức của khán giả ngày một nâng cao. 

Không dễ lừa khán giả

“Khán giả Việt đa phần là trẻ với nhu cầu giải trí điện ảnh càng ngày càng tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực”, đó là nhận xét của ông Danny Quách, Giám đốc marketing cụm rạp BHD Star Cineplex.

Một thực tế rất dễ nhận ra, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, gu thưởng thức các tác phẩm điện ảnh của khán giả Việt đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Tức là, phim tốt khán giả coi, phim dở khán giả tẩy chay.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, phân tích: “Việc ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với điện ảnh quốc tế, thậm chí được xem nhiều phim ngoại nhập trước cả Hollywood, là một trong những nhân tố góp phần thay đổi gu thưởng thức điện ảnh… Gu thưởng thức ấy đang ngày càng văn minh hơn”. 

Một bằng chứng rõ nét nhất, nói như ông Danny Quách: “Các nhà làm phim không thể ép buộc khán giả phải thích gu này hay gu kia”.

Một thời gian dài, phim hài, đặc biệt hài nhảm từng lên ngôi nhưng sau đó đã bị tẩy chay và dẫn đến chết yểu. Thị trường mỗi năm có đến vài chục phim Việt được phát hành nhưng số lượng phim thắng thế phòng vé chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khán giả đã có sự chọn lọc kỹ lưỡng, nhất là trong thời buổi tốc độ lan truyền thông tin như hiện nay. Một bộ phim dù được quảng cáo rầm rộ, tung hô đến mấy nhưng nếu chất lượng không tương xứng cũng sớm bị loại khỏi cuộc đua phòng vé. Nhìn vào bức tranh phim Việt năm 2018, những bộ phim thắng thế: Siêu sao siêu ngố, Tháng năm rực rỡ, Lật mặt 3, Chàng vợ của em, 798 Mười... đều là những phim tử tế, chỉn chu. 

Gu thưởng thức của khán giả ngày càng cao ảnh 1 Lật mặt 3: Ba chàng khuyết, series phim hiếm hoi thành công về doanh thu của điện ảnh Việt
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Tức là có những phim được đánh giá cao, chất lượng tốt, kể cả các phim tham gia các giải thưởng lớn tại Oscar, Quả cầu vàng, Cannes, Venice... nhưng cũng không đột phá.
Thời gian gần đây, trường hợp của Song Lang là một điển hình khiến nhiều nghệ sĩ, khán giả cùng kêu gọi chiến dịch “cho Song Lang thêm một tuần nữa”, dù chỉ là giải pháp tình thế. Hiện cụm rạp BHD vẫn đang duy trì suất chiếu cho bộ phim, với quan điểm: “Các dự án phim Việt được đầu tư nghiêm túc và tâm huyết luôn cần được ủng hộ”.
Lý giải vấn đề này, đạo diễn Lương Đình Dũng có cái nhìn thấu đáo: “Khán giả đến rạp hiện nay là khán giả trẻ, nên việc đáp ứng nhu cầu xem giải trí của những phim hài sẽ dễ tiếp cận hơn với họ. Còn những bộ phim thiên về yếu tố thể hiện mạnh mẽ ngôn ngữ điện ảnh đi cùng câu chuyện có tiết tấu chậm có thể sẽ chưa đáp ứng khán giả trẻ. Vì thế, việc họ không thích xem là chuyện khó tránh khỏi. Một điều quan trọng nữa là môi trường xem phim, tạm gọi là đề cao tính nghệ thuật ở ta, còn ít phim làm theo xu hướng này. Việc chưa quen dẫn đến những quan điểm gọi những bộ phim này là “khó xem”, thay vì tìm ra được những điều thú vị trong bộ phim. Đó cũng là một nguyên nhân khiến những phim này có số khán giả ít ỏi”. 
Xây dựng văn hóa thưởng thức
Gu thưởng thức của khán giả thay đổi tích cực, nhưng theo bà Bích Liên: “Thị hiếu khán giả thay đổi rất nhanh. Nhiều khi một bộ phim đang nằm trong dòng đề tài được chú ý, nhưng làm ra chưa chắc đã hút khán giả, dù phim đó không dở”.
Bà Liên lý giải, thị trường vẫn đang trong giai đoạn phát triển và tìm kiếm sự ổn định. Có một bộ phận khán giả Việt “cả thèm, chóng chán”. Chúng ta chưa có những “ngôi sao” phòng vé, những thương hiệu điện ảnh uy tín đủ sức kéo khán giả đến rạp và nắm chắc phần thắng trong tay. Thực tế, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng... đều chia sẻ, chưa bao giờ họ dám tự tin khẳng định phim của mình sẽ thắng trước ngày ra rạp.
“Những gì mình thích, đam mê, khán giả chưa chắc thích”, đạo diễn Victor Vũ từng bày tỏ. 

Tìm kiếm một công thức phim để thu hút khán giả là điều mà bất cứ nền điện ảnh nào cũng đặt ra. Điện ảnh Việt không phải ngoại lệ. Theo ông Danny Quách: “Để nắm bắt được nhu cầu của khán giả là một bài toán khó”.

Nhưng với đạo diễn Lương Đình Dũng: “Thực tế cũng có một số chìa khóa cơ bản để đáp ứng yêu cầu của khán giả, chứ không thể gọi là tù mù hoàn toàn”. Theo ông, chìa khóa đó là: “Ngoài một đạo diễn thực sự tốt, cần một kịch bản hay, một bữa tiệc hình ảnh, một chiến dịch truyền thông bài bản, một đơn vị phát hành tốt”. 

Còn theo bà Bích Liên: “Phim thành công hay không, người xem phải cảm nhận được tác phẩm đó. Vậy nên một bộ phim dù rất chỉn chu nhưng nếu xa rời cuộc sống hiện đại sẽ rất khó để lấy cảm xúc nơi khán giả”.

“Khán giả bước vào rạp chỉ quan tâm câu chuyện có thu hút, tình huống có mang đến cảm xúc hay không”, đạo diễn Victro Vũ nói. 

Để góp phần làm tăng gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, không thể bỏ qua câu chuyện giáo dục. Ông Jakob Kirstein Hogel trong nghiên cứu “Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích để bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia” được Bộ VH-TT-DL đặt hàng đã chỉ ra rằng, trẻ em phát triển các thói quen, trong đó có việc xem phim. Ông lập luận: “Cách tốt nhất để đảm bảo trẻ em có sự hiểu biết về các sản phẩm hình ảnh và âm thanh là đưa vấn đề này vào chương trình học…”. 

Ông Jakob Kirstein Hogel cũng cho rằng, trẻ em đến rạp chiếu phim nên là một phần trong chương trình học, giống như cách một địa phương ở Đan Mạch đã áp dụng. “Chiến lược tốt nhất là phải tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược với ngành giáo dục và để ngành giáo dục chịu trách nhiệm cho trẻ em tiếp xúc với phim, đồng thời huy động tài chính để sản xuất các phim phù hợp cho giáo dục và trường học”, ông nói. 

Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, hiện nay khán giả vẫn ưu tiên cho phim Việt. “Tôi hy vọng các nhà sản xuất quan tâm đến chất lượng phim nhiều hơn. Cần có sự tương tác giữa nhà sản xuất và khán giả mới tạo nên môi trường điện ảnh tốt cho một quốc gia”. Ông Danny Quách đặt vấn đề: Làm sao cân bằng được giữa những cái mới và hiện đại, đồng thời duy trì các giá trị văn hóa nội tại của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục