GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: Không gian văn hóa công cộng phải gắn với lợi ích người dân

Quanh câu chuyện “trái tim kỳ lạ” xuất hiện tại Hồ Gươm (Hà Nội) vừa qua, dư luận có nhiều ý kiến bức xúc vì tác phẩm đặt để không đúng chỗ. Chuyện ứng dụng mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà còn ở những đô thị lớn như TPHCM, Đà Nẵng… PV Báo SGGP vừa có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM (ảnh).
GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: Không gian văn hóa công cộng phải gắn với lợi ích người dân

PHÓNG VIÊN: Hiện nay, việc ứng dụng mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng ở TPHCM ra sao và có tương xứng với đô thị năng động này không, thưa ông?

* GS-TS NGUYỄN XUÂN TIÊN: TPHCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, nghệ thuật, nơi hội tụ nhiều tài năng lớn. Sự ra đời và phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hóa, nghệ thuật... đã giúp TPHCM từ lâu có ảnh hưởng lớn với cả nước về văn hóa - nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng đô thị vẫn còn rất nhiều bất cập về sự kết hợp giữa không gian cảnh quan với kiến trúc, điêu khắc, hội họa hay các thiết bị mỹ thuật ứng dụng... 

TPHCM đang hướng tới mục tiêu từng bước trở thành “trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”. Thành phố đã xây dựng đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030”, đồng thời tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh đầu tư các công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu mang tầm vóc khu vực, tương xứng vai trò, vị trí của một đô thị đặc biệt.

Trong đó mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng ở TPHCM là một yếu tố quan trọng làm đẹp cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ của người dân, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các loại hình mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng thường gặp ở TPHCM hiện nay như: mỹ thuật trang trí kiến trúc, công viên, đường phố; bích họa; nghệ thuật graffiti; nghệ thuật sắp đặt... 

* Ông vừa nhắc tới graffiti, loại hình vẽ trên tường này đang nhận ý kiến trái chiều từ dư luận bởi sự nhếch nhác và tùy tiện. Không chỉ ở TPHCM, mà nhiều tỉnh thành khác, hình ảnh “cột điện nở hoa”, “nắp cống nở hoa” nhìn rất thiếu thẩm mỹ. Theo ông, việc làm này cần thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả?

* Vẽ trên tường, hay ở những không gian công cộng mang tính chất tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sống xanh, hay thể hiện tinh thần nghệ thuật. Trước hết, chúng ta cần có một hội đồng chuyên môn, từ đó đưa ra kế hoạch, phác thảo phù hợp; hội đồng thẩm định và kiểm duyệt trước khi bắt tay vào thực hiện. Không thể để tình trạng tự phát, mạnh nơi nào nơi nấy vẽ, người không chuyên môn cũng tham gia, cho ra sản phẩm kém thẩm mỹ là điều không tránh khỏi.

Tại TPHCM, chúng ta không lo thiếu đội ngũ thực hiện điều này, sinh viên ở các trường mỹ thuật hay đội ngũ họa sĩ trẻ thừa sức thực hiện. Nhưng trước hết phải tổ chức được hội đồng, để tập hợp đội ngũ này, lên kế hoạch và tiến hành thực hiện ở những không gian cần thiết.

* Khi ứng dụng mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng ở TPHCM, đâu là yếu tố quan trọng để toát lên được bản sắc của thành phố nhưng vẫn đáp ứng tính đại chúng?

* Không riêng ở TPHCM, việc ứng dụng mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng trước hết phải gắn với dân cư của khu vực đó. Tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng có thể được tạo nên bởi một hay nhiều nghệ sĩ riêng lẻ, nhưng tác phẩm đó phải luôn ẩn chứa cái tôi chung của cộng đồng. Thông qua đó, mọi người có thể tìm thấy bản sắc của mình và cộng đồng mình cùng sống.

Đặc biệt, mỹ thuật trong không gian công cộng phải tính toán và gắn liền với lợi ích của người dân, như một con đường bích họa đi kèm những dịch vụ như bán quà lưu niệm, không gian cà phê, giải khát… để thu hút khách đến tham quan và sự tham gia của người dân xung quanh. Khi đó, mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng mới phát huy được hết các giá trị thưởng thức, kinh tế và thúc đẩy du lịch phát triển. Đây cũng là cách để người dân tự ý thức bảo vệ cảnh quan, tác phẩm chung.

* Ông nghĩ sao về việc thành lập một con đường hay công viên nghệ thuật ở TPHCM?

* Các tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian văn hóa công cộng mà còn thổi vào đó sức sống mới. Thành phố cũng có thể chọn một số khu vực quận 1, như đường Hàn Thuyên hay đường Alexandre de Rhodes làm con đường tranh, chọn công viên Tao Đàn làm thành công viên nghệ thuật, hay chọn con đường Huyền Trân Công Chúa (nằm sau Hội trường Thống Nhất) xây dựng thành con đường nghệ thuật, tạo một không gian cho các nghệ sĩ thể hiện. Đưa những hoạt động biểu diễn mang tính cộng đồng, phát huy sự tương tác với người xem, tạo điều kiện cho giới trẻ và du khách tìm hiểu về các loại hình văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. 

* Vậy theo ông, các vấn đề cần thiết trong xây dựng không gian văn hóa công cộng tại TPHCM là gì?

mĐó là phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về lĩnh vực mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng thành phố để tạo điều kiện pháp lý cho các ban, ngành chuyên môn có cơ sở thực hiện. Hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng thành phố với sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của giới mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch và các ngành có liên quan. 

Phải tạo mọi điều kiện để tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình học tập và quy trình thực hiện các tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng đô thị. Và cần thiết xây dựng các kế hoạch và biện pháp khoa học nhằm tạo nguồn các tác phẩm mỹ thuật đảm bảo chất lượng để xây dựng - bài trí trong không gian văn hóa công cộng thành phố một cách hợp lý, khoa học.

Tin cùng chuyên mục