GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Với tôi, Quốc hội chính là một trường học lớn

Ở tuổi 77, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, vẫn miệt mài nghiên cứu, thăm khám, chỉ dạy cho những người đi sau. Những thành tựu của bà, giới y khoa đã được biết đến nhiều. Có một khoảng thời gian, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng làm đại biểu (ĐB) Quốc hội 3 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 1981 đến năm 1997); bà đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi, đóng góp xây dựng những chính sách vì sự phát triển của xã hội.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Trò chuyện cùng phóng viên Báo SGGP, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ: Khi được bầu vào Quốc hội, tôi 37 tuổi, ngoài chuyên môn thì với tôi nhiều thứ còn rất mới mẻ. Nhưng trở thành ĐB, sinh hoạt trong Ủy ban Y tế và Xã hội đã cho tôi cơ hội được đi nhiều, mở mang tầm hiểu biết. Thời ấy, sau ngày thống nhất mấy năm, đất nước ta còn khó khăn lắm. Ủy ban Y tế và Xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban khi ấy là cô Ba Định (bà Nguyễn Thị Định) dẫn đầu đi giám sát ở những vùng cao su thuộc tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Lúc ấy, thời gian nghỉ hậu sản của phụ nữ là 2 tháng. Tôi hỏi nữ công nhân, sau 2 tháng thì chị em phải đi làm như thế nào. Họ nói, 3 giờ sáng phải dậy đi cạo mủ, xong phải gánh 40 lít mủ đi một đoạn đường xa. Vậy là mẹ mất sữa, con đói. Trong khi lúc đó sữa ngoài rất hiếm, mắc tiền và không phải ai cũng mua được. Hỏi ra nữa thì ở đây rất nhiều chị em bị sa tử cung. 

Từng có thời gian 3 khóa tham gia Quốc hội, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, chia sẻ, Quốc hội chính là một trường học lớn. Điều bà tâm đắc là học cách gần dân, biết vì lợi ích của nhân dân, lắng nghe nỗi niềm bức xúc và những ý tưởng tâm huyết của người dân. Bà cho rằng, Quốc hội luôn có sự kế thừa, phát triển và nghị trường “nóng” cũng là điều kiện cho ĐB mạnh mẽ, tự tin hơn. “Nhưng luôn phải gần gũi với cuộc sống, luôn phải đổi mới, gần dân để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, yêu cầu của nhân dân”, bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.

Cô Ba Định chỉ đạo cho Bệnh viện Từ Dũ lên khám. Kết quả, tỷ lệ nữ công nhân cao su bị sa tử cung cao gấp 7-10 lần so với phụ nữ ở ĐBSCL. Từ kết quả này, Ủy ban Y tế và Xã hội làm việc với Bộ LĐTB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động và xây dựng chính sách nghỉ thai sản 6 tháng. Hoặc từ những chuyến khảo sát thực tế vùng cao, nhận thấy tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh cao, chúng tôi báo cáo để Bộ Y tế và WHO khảo sát lại, thấy tỷ lệ này cao cấp 10-20 lần ở đồng bằng. Từ đó, chương trình “Cô đỡ thôn bản” ra đời, đào tạo lực lượng đỡ đẻ, khám thai tại chỗ rất hiệu quả. Rồi chương trình thụ tinh trong ống nghiệm, cũng xuất phát từ trải nghiệm trong quá trình làm việc và chứng kiến nỗi đau của những cặp vợ chồng hiếm muộn…

Phóng viên: Vậy như bà từng nói: “Quốc hội có tác dụng dữ lắm”?

GS-BS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG: Đúng như vậy. Rất nhiều chính sách tiến bộ, nhân văn đã được ra đời từ những hoạt động giám sát, khảo sát, những tranh luận nảy lửa tại nghị trường. Thời gian tôi tham gia hoạt động Quốc hội cũng là thời kỳ mà các ĐB tranh luận dữ dội về chế độ tem phiếu, bù giá vào lương, về chính sách hóa giá nhà. Nhiều chính sách TPHCM đi đầu, chưa có tiền lệ, ra nghị trường không tránh khỏi những hoài nghi. Mấy ông hóa giá nhà để chia nhau chiến lợi phẩm hay sao? Thậm chí, thiếu chút nữa là Quốc hội đã ra nghị quyết phê bình TPHCM về việc này.

Tranh luận gay gắt với không khí hừng hực như thế, nhưng chỉ “cãi” trong hội trường thôi, chứ ra ngoài vẫn thân thiết. Bởi ai cũng ý thức rằng, mình tranh luận ở đây đều vì cái chung, với mong muốn đất nước tốt đẹp hơn. Đó là không khí sinh hoạt mà theo tôi là rất dân chủ. Những tiếng nói khác nhau được lắng nghe, phân tích và mổ xẻ thấu đáo trước khi quyết định. Và tôi cảm nhận, Quốc hội càng về sau này càng hiện đại, dân chủ càng được mở rộng. ĐB có nhiều điều kiện để tìm hiểu thông tin, nói lên tiếng nói của mình hơn, quyết định những việc lớn của đất nước. Dĩ nhiên, vai trò của người ĐB rất quan trọng, phải nói lên và bảo vệ những chủ trương, chính sách mới tiến bộ, khác với cách làm cũ đã thành “lối mòn”.

16 năm làm ĐB đã cho bà chứng kiến và tham dự vào những bước ngoặt đáng nhớ của đất nước khi chuyển mình từ bao cấp sang đổi mới. Bây giờ nhìn lại, điều bà cảm nhận rõ ràng nhất về thời gian ấy là gì?

Ở tuổi này, khi nhìn lại, tôi thấy rất hạnh phúc khi được đi cùng đất nước từ giai đoạn khó khăn, đổi mới, phát triển, để mình mở mang, trưởng thành hơn, đóng góp được một chút xíu vào hành trình phát triển đó. Rất hạnh phúc và may mắn. Những gì học hỏi được từ thời gian ấy, đến nay vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến tôi trong nghề nghiệp và cuộc sống hôm nay. Tham gia 3 khóa Quốc hội, tôi không chỉ học được về lý thuyết mà còn học được nhiều thực tế, thông cảm với nỗi khổ của người dân ở những vùng còn khó khăn. Từ đó, trong nghề nghiệp chuyên môn mới sâu hơn, sát hơn, với những chương trình đã được ghi nhận hiệu quả tốt như “Cô đỡ thôn bản”, góp tiếng nói để Bộ Y tế quan tâm cải tiến hệ thống y tế huyện xã, thôn bản...

Sau một khóa làm ĐB khóa VII, thành viên Ủy ban Y tế và Xã hội, đến khóa VIII, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, ở khóa IX, bà là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại. Lúc là Phó Chủ tịch Quốc hội, GS-BS Phượng vẫn không phải là ĐB chuyên trách. Chia sẻ thêm về thời gian vừa làm chuyên môn vừa làm ĐB, bà cho rằng chỉ cần tận tâm tận lực thì sẽ sắp xếp được công việc. Hai vai trò bổ sung cho nhau rất nhiều, vấn đề là phải chịu học, từ thực tiễn, từ các ĐB khác để hoàn thành công tác.

Tin cùng chuyên mục