Góp ý dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Tăng lương giáo viên từ nguồn nào?

Trong điều kiện ngân sách chi không thể tăng thêm, học phí tăng sẽ gây nhiều tác động xấu đến xã hội, vậy chúng ta phải tính toán tăng lương giáo viên từ nguồn nào?

Sáng 13-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với sự tham gia của nhiều đại diện sở, ngành, cán bộ quản lý phòng GD-ĐT và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM.

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM đề cao vai trò của quản lý Nhà nước trong mục tiêu đổi mới và phát triển giáo dục.

Góp ý dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Tăng lương giáo viên từ nguồn nào? ảnh 1 Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu khai mạc hội thảo
Cũng theo ông Khuê, Luật Giáo dục ban hành năm 2009 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, việc góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này mang ý nghĩa quan trọng, đảm bảo tính xuyên suốt của cả hệ thống, không cắt khúc cho từng bậc học.

Bày tỏ ý kiến về cơ chế dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh cho biết, để có hiệu quả giáo dục tốt trước hết cần chăm lo đời sống giáo viên.

“Học phí mà mỗi tháng người học đóng cho nhà trường ngoài việc bù đắp chi phí sử dụng cơ sở vật chất, trả lương cho đội ngũ hỗ trợ các hoạt động giáo dục trong nhà trường cần dành một phần tương thích để chi trả chi phí chất xám, công sức giáo viên bỏ ra khi lên lớp. Nói cách khác, nếu xem học sinh là khách hàng thì học phí chính là chi phí người học bỏ ra để được đáp ứng các nhu cầu về chất lượng dịch vụ. Học phí cao hay thấp sẽ tương đồng với đòi hỏi về chất lượng”, bà Bích bày tỏ.

Góp ý dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Tăng lương giáo viên từ nguồn nào? ảnh 2 Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh phát biểu ý kiến tại hội thảo

Đồng quan điểm, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong việc quyết định thành công của chương trình giáo dục.

Bà Thúy đề xuất nên lấy kinh phí miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm - vốn không còn nhiều sức hút đối với nhiều học sinh lớp 12 trước kỳ thi ĐH, CĐ, dành cho việc đãi ngộ, hỗ trợ lương cho giáo viên để tăng sự thu hút, giúp các thầy, cô yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Ngoài ra, đại diện Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho biết, sắp tới các trường học phải đóng thuế đối với nguồn thu sự nghiệp tại đơn vị.

“Theo quy định Nhà nước, bậc tiểu học không thu học phí. Do đó, toàn bộ chi phí sửa chữa nhỏ trong nhà trường như thay mới bóng đèn, sửa vòi nước, chăm lo đời sống giáo viên chúng tôi dựa hoàn toàn vào nguồn thu từ các khoản phí bán trú, học phí buổi hai. Nay nếu tăng thêm các quy định về thuế sẽ gây khó khăn cho đơn vị”, bà Thúy bày tỏ.

Ở góc độ khác, GS. Phạm Phụ bày tỏ lo lắng, quy định học phí theo mức thu nhập bình quân của người dân đã không còn phù hợp trong điều kiện thực tế mới với nhiều đòi hỏi cao hơn về chất lượng giảng dạy.

GS. Phạm Phụ phân tích, mỗi năm ngân sách Nhà nước dành hơn 20% chi cho lĩnh vực giáo dục đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực mang tính đặc thù này.

“Trong điều kiện ngân sách chi không thể tăng thêm, học phí tăng sẽ gây nhiều tác động xấu đến xã hội, vậy chúng ta phải tính toán tăng lương giáo viên từ nguồn nào?”, GS. Phạm Phụ đặt câu hỏi.

Góp ý dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Tăng lương giáo viên từ nguồn nào? ảnh 3 GS.Phạm Phụ đặt câu hỏi về tăng lương giáo viên

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này ban hành khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, một số điều luật có nội dung cần cụ thể hơn, chưa thể hiện rõ triết lý giáo dục ở trong Luật.

Ngoài ra, bà Phạm Phương Thảo cho rằng chương trình tổng thể hiện nay vẫn nặng tính hàn lâm, chạy theo thành tích, triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh mà bỏ quên yếu tố giáo dục làm người, học nhiều nhưng chưa đi đôi với hành.

Góp ý dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Tăng lương giáo viên từ nguồn nào? ảnh 4
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng nhiều nội dung của dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục còn quá chung chung.
Một số ý kiến khác cũng nhận định còn nhiều nội dung chung chung, chưa đi vào tình hình cụ thể, nhiều khả năng chưa ban hành đã có nguy cơ lạc hậu do chưa đề cập đến một số phát triển mới của lĩnh vực giáo dục như hình thức học tập tại nhà (home schooling), điều kiện nhập học cho đối tượng con Việt kiều (không có hộ khẩu thường trú, khai sinh tại TPHCM), sự tồn tại của các loại hình đào tạo trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp…

Tin cùng chuyên mục