Gom tiền lẻ xóa trường tạm

750 triệu đồng là mục tiêu mà Hoàng Hoa Trung, Trưởng nhóm Tình nguyện Niềm tin (Hà Nội), đặt ra để xây dựng 1 trường học và 1 cây cầu cho miền Trung ngay sau đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 10. Trong khi chờ đủ tiền, Trung đã bắt đầu lên kế hoạch để khởi công. Đó chỉ là 2 trong số bộn bề công việc thiện nguyện của chàng trai “đồng nát” Hoàng Hoa Trung.
Hoàng Hoa Trung với các em nhỏ vùng cao trên hành trình làm thiện nguyện. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Hoàng Hoa Trung với các em nhỏ vùng cao trên hành trình làm thiện nguyện. Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Tin vào sức mạnh từ 2.000 đồng

Cây cầu mà Hoàng Hoa Trung dự kiến làm là cây cầu bị lũ cuốn trôi hôm 21-10 ở xã Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Hiện bộ đội biên phòng và thanh niên tình nguyện mới chỉ dựng tạm một cây cầu treo bằng mấy thân tre để học sinh đi học. Nhìn cảnh các em nhỏ chênh vênh qua cầu mỗi ngày, Trung muốn cây cầu mới được xây bằng xi măng (kinh phí khoảng 400 triệu đồng).

Còn ngôi trường mà Hoàng Hoa Trung đang lên kế hoạch xây dựng là điểm Trường Mầm non 61 xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), nơi có 37 học sinh chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Bru và một số ít là người Chứt. Theo Hoàng Hoa Trung, bão lũ rồi sẽ qua đi, trong vô vàn công việc tái thiết sau lũ thì xây trường, làm cầu cho trẻ đến trường là điều cần được ưu tiên.

Những công trình xây trường học sau lũ được Hoàng Hoa Trung thực hiện cùng với các công trình trong dự án “Sức mạnh 2.000 - Tiền lẻ mỗi ngày - Triệu người chung tay - Xây nghìn trường mới” do chính Trung sáng lập và điều hành, được phát động cuối tháng 2 dưới sự bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn). Xuất phát từ ý tưởng “tích tiểu thành đại”, chương trình đặt mục tiêu xóa hàng ngàn trường tạm tại Việt Nam, xây hàng trăm cây cầu và hàng chục ngàn nhà nhân ái.

Với nhiều người, mục tiêu đó có vẻ hơi “lãng mạn”, thậm chí là viển vông, nhưng Hoàng Hoa Trung nghĩ khác. Anh tin rằng, nếu mỗi năm người tặng 2.000 đồng/ngày thì với 100.000 người tham gia sẽ có khoảng 300 điểm trường được khởi công xây dựng. Và nếu có 2 triệu người tham gia, sứ mệnh chương trình sẽ được hoàn thành. Đó là chưa kể chương trình còn có sự đồng hành của nhiều diễn viên, cầu thủ bóng đá nổi tiếng.

Dự án Sức mạnh 2.000 vừa được khởi xướng chính là phần tiếp theo của dự án Ánh sáng núi rừng do Trung làm chủ nhiệm (ra đời năm 2012), có mục tiêu ban đầu là xây trường cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Ban đầu, dự án xây được trung bình 1-2 điểm trường, nhưng với sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng và cách làm mới mẻ của chương trình Sức mạnh 2.000, Trung rất lạc quan với mục tiêu từ năm 2020, mỗi năm dự án có thể xây dựng 70-80 công trình trở lên, bao gồm điểm trường, dãy nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh. 

Có lẽ vì dám nghĩ khác mà những việc Hoàng Hoa Trung đã làm được khiến nhiều người phải kinh ngạc. Năm 2014, sau khi quan sát thấy các trường học được xây mới nhưng trẻ vùng cao vẫn bỏ học vì đói, Trung bắt đầu phát động dự án “Nuôi em”. Với mô hình 1 người nuôi 1 em nhỏ bản cao, mỗi người chỉ cần góp 150.000 đồng/tháng là các em được ăn trưa ở trường. Nhờ hiệu quả của mô hình, đến nay Trung đã xây dựng được một hệ sinh thái Nuôi em với gần 20.000 người tham gia, nghĩa là có gần 20.000 em nhỏ đang được nuôi cơm tại 9 tỉnh trên cả nước. 

Thiện nguyện thời 4.0

Hoàng Hoa Trung sinh năm 1990 tại Hà Nội, bén duyên hoạt động thiện nguyện năm 18 tuổi, khi vừa tự mình vượt qua những biến cố riêng và nhận ra ý nghĩa của cuộc sống là mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Trong khi nhiều người chọn cách làm thiện nguyện cứu trợ khẩn cấp thì Trung chọn làm các dự án bền vững. Với tư duy đầy sáng tạo của thế hệ 9X, bất cứ cái gì cũng có thể là một gợi ý cho Hoàng Hoa Trung gây quỹ. Trung kể: “Em từng gây quỹ bằng việc khai thác các sản phẩm gốm lỗi tại Bát Tràng từ năm 2009, sau đó là hàng loạt dự án ve chai, bán nông sản, bán đất phù sa, bán bảo hiểm xe máy… gây quỹ gần 100 triệu đồng mỗi năm”.

Cách kêu gọi lòng hảo tâm của Trung cũng rất riêng. Những câu chuyện mà Trung kể bằng hình ảnh đã chạm tới lòng trắc ẩn của nhiều người, ví dụ câu chuyện bát canh chỉ có bí đỏ và 3 con dế của chú bé Y Hoắt học sinh lớp 4 làng Kon Hleng (xã Kon Pne, Kbang, Gia Lai) mà đoàn khảo sát của Trung tình cờ bắt gặp trong chuyến đi giữa tháng 9-2020. Y Hoắt mồ côi mẹ, bố bỏ đi từ lâu, sống với người bà đã già yếu trong một ngôi nhà không có cánh cửa. Chỉ vài ngày sau khi câu chuyện được kể trên Facebook của Trung, các mạnh thường quân đã chìa bàn tay nhân ái của mình và chỉ sau hơn 1 tháng, ngôi nhà hạnh phúc cho cậu bé Y Hoắt và 2 ngôi nhà khác cho 3 em bé mồ côi ở Gia Lai đã được khởi công với kinh phí 80 triệu đồng/căn.

Hay câu chuyện lì xì xây trường trong dịp Tết 2020 vừa qua cũng là một “phát minh” của Trung. Vào những ngày Tết Nguyên đán, người Việt Nam có một tục lệ đẹp, đó là lì xì lấy may đầu năm. Thay vì chỉ để cho vui, Trung đã kêu gọi mọi người “lì xì trường”. Chỉ sau 5 ngày, Trung đã gom được 180 triệu đồng, đủ xây 1 điểm trường và những ngày sau đó, Trung nhận tiếp lì xì đủ để xây thêm 2 điểm trường. Nhờ sự kêu gọi này đã có 3 điểm trường Huổi Nỏng, Huổi Anh, Nậm Nhừ (Nậm Pồ - Điện Biên) được hoàn thành đầu năm 2020.

Từng là học sinh xuất sắc nhưng Trung không theo đuổi con đường học vấn. Mong muốn làm thiện nguyện suốt đời nên công việc cần gì, Trung sẽ đi học cái đó, từ công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa đến tài chính, quản trị kinh doanh… Có lẽ vì thế mà các dự án thiện nguyện của Trung được quản trị một cách minh bạch, mỗi dự án đều có một trang web riêng. Ở dự án xây trường học, mỗi công trình đều có một trang nhỏ, trong đó công khai từ kinh phí đến tiến độ thực hiện. Ở dự án Nuôi em, mỗi người nhận nuôi sẽ có thông tin cá nhân, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng trưởng bản, thầy cô giáo để kiểm chứng. Người nhận nuôi chỉ cần nhắn mã số là nhận được thông tin cá nhân của người được nuôi. Hình ảnh, clip về các em được thầy cô giáo ghi lại và cập nhật lên nhóm... Điển hình của làm thiện nguyện thời 4.0 là, mới đây, Trung đã thuyết phục được ví điện tử MoMo làm tính năng từ thiện đầu tiên tại Việt Nam, thu hộ tiền lẻ từ thiện 2.000 đồng mỗi ngày. Để minh bạch, số tiền gom được cho dự án Sức mạnh 2.000 sẽ chuyển về số tài khoản của Trung tâm Tình nguyện quốc gia để được kiểm toán rõ ràng. 

Nhiều người băn khoăn, làm sao Trung quản lý được cùng lúc nhiều dự án thiện nguyện như vậy, nhất là khi các dự án đều được cam kết không thu phí quản lý, 100% số tiền quyên góp được thực hiện cho cộng đồng. Câu trả lời là, Trung có một đội ngũ cộng sự những người trẻ yêu thích công việc thiện nguyện, có việc làm tự do để vừa có thu nhập, vừa có thời gian. Từ tháng 9-2019, một số mạnh thường quân đã hỗ trợ kinh phí cho 4 nhân sự để họ chuyên tâm theo đuổi con đường thiện nguyện. Bên cạnh đó, Trung có gần 200 cộng tác viên online hỗ trợ dự án.

Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia, cho biết: “Tôi đã dõi theo, đồng hành cùng Trung từ nhiều năm nay và cảm mến sự nhiệt tình, sáng tạo và cái tâm sáng của bạn trẻ này. Những người có lòng nhân ái rất đông. Vấn đề đặt ra là phải làm thật, minh bạch, hiệu quả thì sẽ có được niềm tin và sự gửi gắm của cộng đồng”. Đó cũng chính là điều mà Hoàng Hoa Trung đã làm được và đang cố gắng để làm tốt hơn nữa.

Các giải thưởng của Hoàng Hoa Trung và nhóm tình nguyện Niềm tin:

-  Giải thưởng tình nguyện Chim én năm 2009, 2010

-  Giải Mầm nhân ái năm 2009

-  Giải thưởng Thanh niên kiến tạo năm 2017

-  Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2011, 2017

-  Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2019, 

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019

-  Forbes Việt Nam 30 Under 30 năm 2020

-  Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2020

Tin cùng chuyên mục