Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Kỳ vọng giảm áp lực tăng lãi suất cho vay

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn nhàn rỗi. Việc này đã khiến không ít doanh nghiệp lo ngại sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất 2% từ gói hỗ trợ của Nhà nước có thể giúp giảm áp lực tăng lãi suất cho vay. 
Tín dụng tăng nên nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Ảnh: PHAN LÊ
Tín dụng tăng nên nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Ảnh: PHAN LÊ

Nỗ lực giữ cân bằng

 Trong tháng 5-2022, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV) chưa ghi nhận điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, còn lại hầu hết các ngân hàng thương mại khác đã tăng lãi suất tiền gửi từ 0,3-0,5 điểm % so với cuối năm 2021.

Áp lực tăng lãi suất huy động cũng được thể hiện rõ qua chênh lệch giữa tín dụng - huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay, khi số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tính đến cuối tháng 4-2022 đã tăng 6,75% so với cuối năm 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55%. Tín dụng tăng mạnh khiến thêm nhiều ngân hàng thương mại tham gia làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm để đẩy mạnh huy động vốn.

Trước diễn biến này, giới chuyên gia trong ngành nhận định, lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp như trước đây không chỉ do nhu cầu vốn tăng tín dụng tăng tốc, mà do cả áp lực lạm phát gia tăng. Do vậy, ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… trong thu hút vốn. 

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, mặc dù kỳ vọng lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ 0,3%-0,5% trong năm nay, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Không những thế, chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất 2% có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình cơ bản trong năm 2022. 

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn cũng đã được điều chỉnh tăng thêm 0,4 điểm % nhưng ngân hàng vẫn chưa tăng lãi suất cho vay nhiều vì tiết giảm được chi phí vốn thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngoài ra, việc gia tăng các tiện ích tiền gửi không kỳ hạn đã giúp ngân hàng thu hút vốn lãi suất thấp để giữ lãi suất cho vay không tăng mạnh.

“Hiện chúng tôi đang đăng ký tổng số tiền thực hiện theo gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ trong năm 2022 và 2023 để thực hiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Với chủ trương này, trong ngắn hạn lãi suất cho vay vẫn cơ bản ổn định để giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh”, vị này cho hay. 

Cần nới hạn mức tín dụng

Tín dụng 5 tháng đầu năm 2022 đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021 và tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước nên nhiều ngân hàng thương mại hiện đang rơi vào tình trạng thiếu hạn mức tín dụng. Nhiều ngân hàng cho biết, khi chưa có gói hỗ trợ lãi suất, nhu cầu tín dụng đã rất lớn vì sau 2 năm đại dịch, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay để đầu tư, sản xuất kinh doanh rất lớn. Và với đà phục hồi kinh tế như hiện nay, dự kiến nhu cầu vay vốn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. 

Một số ngân hàng thương mại cho biết, đã sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng hiện đã cạn hạn mức tín dụng. Theo Vietcombank, hết tháng 4-2022, tín dụng đã tăng trưởng ở mức trên 9/10% hạn mức được cấp, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng. Với tổng dư nợ của Vietcombank khoảng trên 1 triệu tỷ đồng, đối tượng khách hàng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất ở mức xấp xỉ 30% tổng dư nợ ngân hàng nhưng hạn mức tín dụng hiện nay chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ để tham gia hỗ trợ khách hàng. 

Còn theo đại diện VietinBank, hiện các đối tượng đáp ứng yêu cầu được hỗ trợ lãi suất chiếm khoảng 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng vướng mắc về hạn mức sẽ gây áp lực lớn cho tăng trưởng ngắn hạn và trung, dài hạn của ngân hàng. BIDV cho biết, hiện có khoảng 10.000 khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất và con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới nên ngân hàng này cũng kiến nghị nới hạn mức tín dụng. 

Do phần lớn ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp từ đầu năm nên đang chờ phê duyệt hạn mức tín dụng mới. Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo nguyên tắc, những ngân hàng thương mại không sử dụng hết hạn mức tín dụng sẽ được chuyển sang cho ngân hàng khác. Vì trên thực tế, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã cạn hạn mức tín dụng nhưng một số ngân hàng khác có tín dụng tăng chậm hoặc sụt giảm. 

Liên quan đến đề xuất nới hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng nóng sẽ khó kiểm soát lạm phát, nhưng thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế nên hạn mức tín dụng phải giải quyết thỏa đáng.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế, trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn liền với giải ngân gói tín dụng hơn 400.000 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đối thoại thông tin kết hợp với tuyên truyền để các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp hiểu rõ cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm thực hiện gói hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục