Gói bánh ngày tết

Thời buổi công nghệ, ngồi ở nhà đặt hàng là đã có bánh chưng - bánh tét mang đến tận nơi. Thế nhưng, sự tiện lợi ấy không thể mang đến cảm xúc giống như việc đi chọn từng mớ lá, ký gạo, đậu xanh, miếng thịt tươi ngon và quây quần gói bánh.

Người miền Nam gói bánh tét phổ biến hơn phần vì thời tiết phương Nam nắng ấm. Cái bánh chưng hình vuông, nấu, ép không kỹ thường dễ mốc, hỏng ở 4 góc coi như phải bỏ đi cả. Còn bánh tét, có hình trụ dài, về nguyên liệu cũng như bánh chưng, nhưng cách gói, bảo quản đơn giản, không cần quá cầu kỳ. Nó dường như rất gần với tính cách chân chất của người phương Nam. Miền Bắc nhiều địa phương cũng gói cả bánh tét (có nơi gọi bánh tày, bánh chưng dài) nhưng cũng có khác biệt nhất định.

Gói bánh ngày tết ảnh 1 Nồi bánh lên bếp là bắt đầu cho những ngày tết

Bánh tét của người phương Nam cũng có nhiều loại: bánh tét chay không nhân, bánh tét mặn, bánh tét ngọt, bánh tét nhân chuối; gần đây còn có bánh tét nhân thập cẩm có đủ thứ, từ thịt tới trứng vịt muối, hạt điều... Gạo nếp nhiều khi để thêm màu sắc còn được ngâm thêm màu xanh của lá dứa, màu tím của lá cẩm, màu đỏ của gấc… cho bắt mắt. Nó cũng thể hiện sự biến tấu, pha trộn đa dạng trong văn hóa ẩm thực của người phương Nam. Duy chỉ có một điều, dù khác nhau thế nào về hình thức, cung cách, nhưng bánh chưng - bánh tét đều là những vật phẩm để cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ông bà với tấm lòng thành kính.

Ngày tiễn ông Táo đã qua cũng là lúc không khí chuẩn bị gói bánh chưng - bánh tét chộn rộn hơn bao giờ hết. Ở phương Nam mến khách này, người dân tứ xứ cũng bám rễ bền chặt ở đây nên các loại bánh trái theo vùng miền cũng đa dạng. Nếu ở các nếp nhà người Bắc, lá dong đã được mua và buộc gọn gàng trên những chiếc cột nhà để giữ cho lá tươi, phẳng phiu; thì trong nắng ấm phương Nam, việc chuẩn bị gói bánh chưng cũng có những thi vị riêng. Trong từng khu phố, nhà nếu đông người cũng thường tự chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết cho việc gói bánh của riêng nhà mình. Nhà ít người, dăm ba hộ cùng nhau bàn kế hoạch “góp gạo” gói bánh chung như một cách để cùng nhau sẻ chia không khí tết giữa những ngày cuộc sống ngoài kia còn biết bao bộn bề. Còn gói bánh tét, người Nam bộ thường gói và nấu cận tết hơn, khi con cháu đã về đủ đầy, mỗi người một tay… Nếp nhà cứ thế được duy trì.

Nói là ở phố thị như TPHCM nhưng việc chuẩn bị các nguyên liệu cho gói bánh cũng chẳng có gì khó khăn. Gạo nếp đủ loại: từ nếp cái hoa vàng, nếp nhung, cho tới nếp ngỗng, nếp nương… đều có, tùy khẩu vị của mỗi gia đình. Đậu xanh hay thịt heo, chợ nào cũng bày bán khắp nơi. Người miền Nam gói bánh tét bằng lá chuối. Nhưng nếu muốn mua lá dong, lạt giang cho món bánh chưng thì đi chợ đầu mối Bà Điểm - Hóc Môn, chợ Căn Cứ 26, chợ Tân Sơn Nhất… có đủ cả.

Ngày gói bánh, không khí chộn rộn và khi bánh lên nồi, còn vui hơn. Đặc biệt, ở nhiều khu phố, các gia đình thường rủ nhau gói và nấu bánh cùng ngày. Khi phố đã lên đèn cũng là lúc bếp bắt đầu đỏ lửa. Người ta quây quần cùng nhau trò chuyện không ngớt. Khi thì nướng dăm ba củ khoai cạnh bếp than hồng. Lúc pha thêm ly cà phê đá, không quên có bình trà đá đầy để cùng thức trông bánh. Và đôi khi, có cả những bàn nhậu đầy bất ngờ với vài món ăn dân dã cho không khí thêm phần xôm tụ.

Bếp lửa vẫn cứ đỏ rực và nồng đượm trong khi những câu chuyện không ngớt giữa ông bà, con cháu, giữa những láng giềng xa - gần ân cần hỏi han: “Năm nay, nồi bánh bự ghê, nhà ăn tết lớn dữ ha…” 

Tin cùng chuyên mục