Góc nhỏ tâm tình

“Em ở trọ cùng 2 bạn khác, nhưng khi dịch bệnh diễn ra, 2 bạn lần lượt trả phòng và mang theo một số vật dụng như tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt máy... Giữa lúc khó khăn, em phải gánh thêm khoản tiền trọ gấp ba lần, đặc biệt là không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Đi lại thui thủi trong căn phòng trọ ọp ẹp, em cảm thấy thất vọng về mối quan hệ bạn bè. Hiện giờ, em cảm thấy bế tắc, không biết xoay xở ra sao?”, một sinh viên (SV) năm cuối gửi gắm tâm sự vào hộp thư của chương trình.
Poster chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch số 4 của Trường Đại học Luật TPHCM
Poster chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch số 4 của Trường Đại học Luật TPHCM

Th.S Trịnh Anh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Luật TPHCM, đã khuyên bạn SV nên trao đổi với chủ trọ để xin được giảm tiền hay liên hệ với các kênh hỗ trợ của nhà trường để được chia sẻ, trợ giúp. 

Chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch diễn ra vào 19 giờ thứ bảy hàng tuần và được livestream trên trang fanpage của Trường Đại học Luật TPHCM. Theo Th.S Trịnh Anh Nguyên, có rất nhiều tình huống không thể lường trước mà các bạn SV phải đối mặt trong mùa dịch. Mỗi câu chuyện là tiếng lòng chung của rất nhiều người. Như trường hợp của A.T., SV K45, từ khi đến TPHCM học, không may mắn như các bạn, gia đình Thư không là hậu phương vững chắc giúp bạn yên tâm học hành mà ngược lại, đặt lên vai bạn những gánh nặng về vật chất lẫn tinh thần.

Chia sẻ về câu chuyện của A.T., TS Võ Trung Tín, Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, nhắn nhủ: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống. Thế nên, những thứ không thể thay đổi, hãy bình thản chấp nhận và tin tưởng vào bản thân, bởi chính ta mới là người quyết định cuộc đời mình. Về mặt tài chính, bạn nên tìm sự hỗ trợ từ những người thân khác, nhà trường và các quỹ hỗ trợ, tổ chức cộng đồng. Còn về khía cạnh tâm lý, bạn không được để bản thân chìm đắm trong năng lượng tiêu cực, nên tìm một người hay một nơi đáng tin cậy để chia sẻ, tâm sự và an ủi cảm xúc của mình”. 

Còn rất nhiều câu chuyện thường nhật khác mà các bạn SV trải lòng để được các chuyên gia tư vấn trong 120 phút của chương trình. Nếu trên giảng đường, có thể các giảng viên khắt khe nhưng ở vai trò là tư vấn viên, các thầy cô sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với các bạn bằng tất cả tình yêu thương. Anh Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ SV, cho biết, sau 1 tháng thực hiện, hộp thư của chương trình nhận rất nhiều câu chuyện của các bạn SV. Mỗi tuần, những người thực hiện cố gắng chắt lọc chủ đề gần gũi, thiết thực nhất để tạo thành một góc nhỏ tâm tình. Đến nay, mỗi số phát sóng của chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch của Trường Đại học Luật TPHCM có hơn 1.000 lượt truy cập. Không chỉ người tham gia trực tiếp mà các bạn SV theo dõi trực tuyến cũng để lại nhiều bình luận, gửi lời cảm ơn đến chương trình.

Tài khoản Kim Dương viết: “Nhờ có chương trình mà buổi tối cuối tuần của SV bọn em đỡ buồn chán. Em cảm ơn thầy cô đã tận tình chia sẻ. Các bạn ơi! Sau cơn mưa trời sẽ sáng nên hãy nghĩ đến những điều tươi đẹp đang chờ chúng ta ở phía trước”. 

Ở chiều ngược lại, với các giảng viên, giúp được SV thoát khỏi tình cảnh bế tắc là nguồn động lực lớn giúp những người thực hiện cố gắng xây dựng chương trình ngày càng hấp dẫn hơn. “Mình rất vui vì truyền được nguồn năng lượng tích cực đến với các bạn trẻ. Khi dịch bệnh qua đi, nếu chương trình này vẫn tiếp tục duy trì, mình sẵn sàng sắp xếp thời gian tham gia”, TS tâm lý Tô Nhi A bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục