Góc nhìn pháp lý về phố đường tàu

Gần đây, các quán cà phê dọc đường tàu ở phố Phùng Hưng (Hà Nội) thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sự tập trung đông đúc ngay sát đường tàu không an toàn, nên UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải tỏa tụ điểm kinh doanh ở đây. Việc này có phù hợp quy định pháp luật hiện hành? 
Du khách đến cà phê đường tàu trước khi bị cơ quan chức năng Hà Nội ra quân xử lý xâm phạm hành lang an toàn đường sắt 
Hành lang an toàn giao thông đường sắt là phạm vi xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.

Nghị định 56/2018/NĐ-CP (về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt) quy định phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng là 5,3m đối với đường sắt khổ 1m, và 6,55m đối với đường sắt khổ 1,435m.

Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra là 5,4m đối với đường sắt đô thị, và 5,6m đối với đường sắt còn lại. Ngoài ra, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên đối với đường sắt đô thị đi trên mặt đất là 3m.

Góc nhìn pháp lý về phố đường tàu ảnh 2 Lực lượng chức năng dùng barie phong tỏa lối vào khu vực đường sắt có nhiều quán cà phê ở Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN QUỐC
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt theo quy định tại Điều 9 Luật Đường sắt 2017 bao gồm: lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức khi có các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường sắt, như: mua bán hàng hóa, họp chợ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa hoặc vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; dựng lều quán, nhà tạm, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt; đặt, treo biển quảng cáo, biển chỉ dẫn hoặc các vật che chắn khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Ngoài ra, theo Điều 51 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như khôi phục lại nguyên trạng đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra. 

Việc dẹp bỏ hàng quán đang kinh doanh trên phố đường tàu, áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc để đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân là điều hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn chưa đủ sức răn đe đối với các chủ thể vi phạm.

Mặc dù pháp luật quy định cấm đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, nhưng khi xảy ra các hành vi đó trên thực tế thì cũng chưa có quy định để xử lý triệt để. Bên cạnh việc siết chặt quản lý đối với các tổ chức, cá nhân bày bán hàng quán cạnh đường tàu, cũng cần phải tích cực tuyên truyền ý thức bảo đảm an toàn đường sắt cho người dân và du khách khi đến trải nghiệm nơi đây.

Khoảng cách từ mép ngoài của ray đến các công trình nhà ở trên phố Phùng Hưng ước tính chỉ khoảng 1,5m, đã vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn an toàn hành lang đường sắt. Do đó, các quy định liên quan đến việc cấm kinh doanh trên con phố này cũng chỉ là giải pháp mang tính chất tạm thời.

Điều thiết yếu hơn là các cơ quan ban ngành cần phối hợp đưa ra biện pháp toàn diện, hoặc di dời giải tỏa khu phố đảm bảo khoảng cách đúng theo quy định pháp luật, hoặc thay đổi tuyến đường để đảm bảo an toàn đường sắt cho tất cả người dân và du khách ở phố cổ này.

Tin cùng chuyên mục