Góc nhìn lịch sử đậm chất tình

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thành ủy TPHCM, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM đã đầu tư kinh phí và giao các đơn vị nghệ thuật thực hiện 3 tác phẩm sân khấu đặc biệt. 
Vở Châu về hợp phố của Sân khấu kịch xã hội hóa Hồng Vân
Vở Châu về hợp phố của Sân khấu kịch xã hội hóa Hồng Vân
Trong đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng vở Bức chân dung huyền thoại, Sân khấu kịch xã hội hóa Hồng Vân dựng vở Châu về hợp phố, Hội VHNT các dân tộc thiểu số TPHCM - Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng - Triều dựng vở Nghĩa tình năm ấy Xuân Mậu Thân 1968. 
Những câu chuyện kịch tính
Vở Châu về hợp phố (tác giả Trần Văn Hưng, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc) có sự tham gia diễn xuất của NSND Hồng Vân, NSƯT Đức Thịnh, Trịnh Kim Chi, các nghệ sĩ (NS) Thanh Thủy, Minh Nhí, Hoàng Sơn, Huỳnh Đông, Minh Luân, Lê Lộc, Xuân Trang, Xuân Nghị... Tuy là kịch truyền thống, được đầu tư dàn dựng kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhưng tác phẩm sân khấu này được NSƯT Trần Minh Ngọc khéo léo dàn dựng bằng góc nhìn đơn giản về những thân phận con người đang sống trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Ở đó có những số phận bị cuốn trong dòng chảy của thời cuộc. Người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, người quyết tâm thay đổi thời vận đất nước, người muốn an phận thủ thường nên gió chiều nào ngả theo chiều ấy… 
Câu chuyện đầy kịch tính của Châu về hợp phố xoáy vào cuộc đời của ba người bạn thân từ thời học sinh là Bằng (NSƯT Đức Thịnh), Phố (NSƯT Trịnh Kim Chi) và Châu (Huỳnh Đông). Khi đất nước lâm cảnh ly loạn, mỗi người đi theo con đường khác nhau. Châu và Phố nên duyên chồng vợ, Châu thoát ly hoạt động cách mạng, Phố ở lại Sài Gòn làm nghề thợ may và sinh con. Bằng chọn con đường làm tay sai, khoác lên mình bộ quân phục rằn ri và thăng tiến bằng những chiến tích có được từ các cuộc càn quét, bắn giết chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước. Những người bạn thân trở thành những con người đứng trên hai chiến tuyến khác nhau, đối đầu nhau trong từng trận đánh, trận càn, bố ráp... Trải qua bao năm tháng thăng trầm, cái kết cuối cùng của các nhân vật là vượt lên trên mọi thù hằn, những than oán, ngang trái của bao phận đời trong cuộc chiến tranh, chỉ còn lại tình yêu quê hương đất nước, tình bạn chân thành, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa… 
Câu chuyện của vở cải lương Bức chân dung huyền thoại (tác giả Ngọc Trúc, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) nhân tố con người được xây dựng trong một không gian mang chút yếu tố tâm linh, đó là hình ảnh bức chân dung Bác Hồ do họa sĩ Tấn Phong (NSƯT Trọng Phúc) vẽ mang một thần thái uy nghiêm, khiến những con người lầm đường lạc lối muốn quay trở về. Và tình người ấm áp đã giúp xóa đi khoảng cách giữa những con người ở hai mặt trận, hai chiến tuyến. 
Vở ca kịch Nghĩa tình năm ấy Xuân Mậu Thân 1968 (tác giả Nguyễn Văn Tư (Đức Hiền), đạo diễn Trần Văn Hưng), dựa trên câu chuyện có thật xảy ra ở thời điểm trước Tết Mậu Thân 1968. Gia đình bà Mỹ, người Hoa, đã không ngại hiểm nguy, giúp đỡ, che giấu, nuôi dưỡng các anh bộ đội bị thương khi đang thực hiện chiến dịch tấn công, đánh úp vào Sài Gòn. Nghĩa nặng tình thâm ấy được những con người của thời cuộc khắc ghi vào tâm khảm. Đến khi đất nước hòa bình, tình cờ họ đã gặp lại nhau, nhận ra nhau với bao cảm xúc trào dâng. Dù cuộc sống hôm nay người còn người mất, nhưng những tình cảm họ cùng trải qua trong quá khứ mãi là những kỷ niệm giá trị cao quý.
Nét mới trong đầu tư tác phẩm
Tin tưởng vào tình yêu, niềm đam mê và tay nghề của đội ngũ nghệ sĩ sân khấu tại TPHCM, Thành ủy TPHCM, Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM đã mạnh dạn đầu tư kinh phí cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu kịch xã hội hóa Hồng Vân và Hội VHNT các dân tộc thiểu số TPHCM - Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng - Triều thực hiện các tác phẩm sân khấu nghệ thuật mang ý nghĩa tuyên truyền, kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong quá trình làm việc, đầu tư dàn dựng các tác phẩm sân khấu, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM luôn theo sát các đơn vị nghệ thuật để trao đổi, góp ý nội dung để các tác phẩm được chỉn chu, thể hiện sâu sát đề tài, ý tưởng kịch bản đã được duyệt. 
Đặc biệt, với cả ba tác phẩm sân khấu, qua bàn tay dàn dựng của các đạo diễn chuyên nghiệp đã thể hiện rất tốt chủ đề tư tưởng, nội dung tác phẩm; đồng thời đảm bảo được tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ, chất lượng, chiều sâu và độ rung của tác phẩm sân khấu đối với người xem. Việc xây dựng những nhân tố trong tác phẩm kịch cách mạng, với những góc nhìn đơn giản nhưng bao quát, giúp khán giả dễ cảm. Thông qua những suy nghĩ, trăn trở, tâm tư, tình cảm, đời sống tinh thần rất thật của các nhân vật sống giữa thời binh biến, với cách làm tươi mới và hiện đại, những tác phẩm trở nên gần gũi hơn với tâm tư con người thời đại mới. 
Sau khi hoàn thành, các tác phẩm sân khấu trên sẽ lần lượt được công diễn và lưu diễn nhiều suất trong năm 2018, phục vụ nhiều đối tượng khán giả: học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức thành phố, người lao động… 

Tin cùng chuyên mục