Gỡ vướng xây dựng cho sản xuất nông nghiệp

Được xây dựng các công trình phụ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp là niềm mong mỏi của người làm nông nghiệp tại TPHCM. Nhiều năm qua, người dân kiên trì kiến nghị và hiện nay, UBND TPHCM đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM (dự thảo lần thứ 7) trong tham mưu hướng dẫn xây dựng các công trình này. Nội dung này đang được hoàn chỉnh để hướng dẫn các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè thực hiện thí điểm.
Thu hoạch chuối xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Bò sữa TPHCM, tại huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thu hoạch chuối xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Bò sữa TPHCM, tại huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nông nghiệp công nghệ cao gặp khó

Việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp vẫn gặp khó, dù nông dân và lãnh đạo các địa phương đã nhiều năm kiến nghị. Ông Trần Văn Tấn, chủ trại nấm Nghĩa Nhân, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) luôn đau đáu đi lên sản xuất lớn, ấp ủ nhiều dự định hỗ trợ cho người nông dân địa phương. Song, ông cho rằng, xây dựng các công trình phụ trợ gặp khó khăn thì quy mô không thể lớn hơn và phát triển được.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thuận Yến - một đơn vị nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Cần Giờ - cho biết, HTX mong muốn nuôi tôm theo công nghệ cao trên diện tích 4.000m2 trong nhà. Nhưng do vướng về xây dựng công trình phụ trợ, nên mô hình không thể triển khai được, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của HTX. Theo đánh giá của UBND huyện Cần Giờ, công tác quản lý xây dựng hiện nay tác động rất lớn đến nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Các hộ sản xuất trên địa bàn đang rất mong chờ hướng dẫn xây dựng các công trình phụ trợ, đặc biệt là công trình phục vụ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Các hộ nuôi cá cảnh, trồng lan, bonsai cũng tha thiết được xây dựng nhà lồng, nhà kính, nhà lưới, nhà kho, nhà giữ vườn, sơ chế sản phẩm để phục vụ sản xuất. Còn UBND huyện Củ Chi thì cho biết, 1ha trồng hoa lan trị giá khoảng 50 tỷ đồng cần đầu tư rất nhiều công trình phụ trợ. Tuy nhiên, do vướng quy định hiện nay, huyện không dám cho phép xây dựng công trình phụ trợ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho nông dân. 

Trước những vướng mắc này, người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM liên tục kiến nghị và mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tháo gỡ vướng mắc để họ xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp hợp pháp, tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất. Do đó, UBND huyện Củ Chi kiến nghị với mỗi khu vực trồng trọt từ 5 - 10 ha, nên cho phép đất nông nghiệp khác tỷ lệ 10% để được xây dựng các công trình phụ trợ.

Cần căn cứ nhu cầu thực tế của người dân

Theo dự thảo hướng dẫn lần thứ 7 của Sở Xây dựng TPHCM về xây dựng các công trình phụ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được UBND TPHCM chấp thuận, có 2 nhóm hạng mục công trình xây dựng được thí điểm. Nhóm 1 là các hạng mục lắp ghép dễ tháo dỡ, làm bằng vật liệu tranh tre, nứa lá. Khi xây dựng thì chủ đầu tư phải thông báo đến UBND xã. Nhóm này được xây dựng không quá 15m2, không nền cứng, khung cứng, mái cứng. Nhóm 2 là các công trình cấp IV, quy mô 1 tầng, diện tích nhỏ hơn 1.000m2 và chiều cao không quá 6m, mật độ xây dựng không quá 5%. Nhóm này phải được UBND huyện thỏa thuận quy mô phù hợp với phương án sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè nhận xét, nếu mật độ xây dựng không quá 5% thì diện tích công trình khá nhỏ. Cụ thể, muốn xây dựng công trình 50m2 thì phải có 1.000m2 đất. Trong khi trước đây, có quy định cho phép xây nhà giữ vườn diện tích từ 40 - 100m2. Tương tự, nếu muốn xây dựng công trình 100m2, người nông dân phải có ít nhất 2.000m2 đất. Nếu muốn xây dựng công trình 1.000m2 thì phải có 2ha đất.

Nhiều nông dân cho biết, nếu áp dụng theo hướng dẫn này vẫn chưa thật sự gỡ vướng cho họ. Chẳng hạn, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở HTX Thuận Yến, muốn làm với quy mô 4.000m2 thì tổng diện tích đất cần có là 8ha. Theo bà Nguyễn Thị Nhiệm, diện tích sản xuất của HTX là 6ha, nếu xây dựng 5% thì chỉ được 3.000m2. Trong khi đó, ngoài hồ tròn nuôi tôm công nghệ cao 4.000m2, bà còn nhiều kế hoạch khác để phát triển sản xuất, như 1.200m2 mái nhà làm điện mặt trời và các công trình khác tới 1,4ha. “Muốn làm công nghệ cao thì phải chỉn chu, đàng hoàng. Theo tôi cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân, cho phép thực hiện trên thiết kế cụ thể, chứ không nên khống chế cứng nhắc về tỷ lệ  diện tích. Chỉ cần ra chủ trương chung, rồi duyệt trên thiết kế cụ thể của chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư cam kết và có kiểm tra giám sát là được”, bà Nhiệm kiến nghị.

Đó cũng là mong mỏi chung của các hộ sản xuất nông nghiệp ở khu vực ngoại thành TPHCM. Tháo gỡ vướng mắc này không chỉ giúp nông dân phát triển sản xuất, giảm thiểu vi phạm xây dựng mà còn giúp khai thác có hiệu quả quỹ đất của địa phương.

UBND TPHCM đã chấp thuận thời gian thực hiện thí điểm xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp là 3 năm. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sẽ sơ kết đánh giá tình hình để báo cáo UBND TPHCM xem xét mở rộng địa bàn thí điểm, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ đất nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục