Gỡ vướng pháp lý sử dụng đất cho doanh nghiệp

Sở TN-MT TPHCM vừa phối hợp các sở, ngành tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp và Sở TN-MT” nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) trong việc sử dụng đất. Hội nghị thu hút hơn 100 DN tham gia. 
Doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc tại hội nghị
Doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc tại hội nghị

Nhiều vướng mắc kéo dài

Ghi nhận tại hội nghị cho thấy, rất nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất, gia hạn quyền sử dụng đất, ký hợp đồng và tính tiền sử dụng đất… đã được các DN phản ánh. 

Bà Nguyễn Thanh Thảo, đại diện Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, cho biết, trước năm 2010, DN có 3 khu đất được ký hợp đồng thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2010, DN chuyển thành công ty TNHH MTV, nhưng hợp đồng thuê đất ký vào năm 2009 lại mang tên Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn. Đến năm 2021, khi xử lý các vấn đề giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian thuê đất, cơ quan thuế phát hiện tên trên hợp đồng thuê và con dấu không khớp. Mặc dù DN đã xin chuyển tên nhưng chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của DN.

Trong khi đó, Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV lại đang gặp khó trong việc đóng tiền thuê đất không đúng diện tích thực tế. Theo phản ánh của DN này, Công ty Xuất nhập khẩu và Dịch vụ quận 1 (tiền thân của Tổng công ty Bến Thành) được UBND TPHCM cho thuê khu đất tại ấp 4, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, theo Quyết định số 5312/QĐ-UB-QLĐT ngày 29-6-1997.

Tiếp đó, công ty đã ký hợp đồng số 1954/HĐ-TD ngày 1-11-1997 với Sở Địa chính TPHCM, thời hạn thuê 5 năm, diện tích đất là 13.650m2, thời gian hết hạn thuê đất là 31-12-2001. Do nhiều lần các hộ dân khiếu nại có nội dung liên quan phần đất trên nên UBND TPHCM có Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 10-3-2015 điều chỉnh diện tích cho thuê còn 8.009,1m2. Hiện nay, Tổng công ty Bến Thành vẫn phải đóng tiền thuê đất theo diện tích 13.650m2, mặc dù diện tích thực tế chỉ còn 8.009,1m2

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng phản ánh, công ty được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương làm chủ đầu tư thực hiện dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ văn phòng và khách sạn tại vị trí Thương xá Tax (năm 2010), khu đất gồm 2 phần. Phần diện tích thuộc Thương xá Tax, UBND thành phố có quyết định giao công ty quản lý, quyết định giao tài sản cố định để chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, và phần diện tích thuộc Nhà nước quản lý và sở hữu cá nhân. Công ty Satra đã thực hiện một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc; công tác bảo tồn theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đến nay, công ty chưa được giao làm nhà đầu tư dự án, chưa được giao đất thực hiện dự án.

“Nếu công ty không được giao làm nhà đầu tư dự án, không được giao đất thực hiện dự án, mà nhà đầu tư nước ngoài trúng đấu giá quyền sử dụng đất, được chọn làm nhà đầu tư dự án thì các chi phí của công ty đã thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư trước đây sẽ được giải quyết như thế nào?”, đại diện Satra thắc mắc.

Từng bước tháo gỡ 

Theo chia sẻ của các DN, nhiều vấn đề vướng mắc đã được kiến nghị tháo gỡ nhưng việc hồi âm, giải quyết chậm, kéo dài khiến DN luôn rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Vì vậy, các DN mong mỏi ngành chức năng có chỉ đạo, xử lý sớm để DN được triển khai các kế hoạch đầu tư của mình. 

Có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề kiểm soát, bà Trương Thị Hương Giang, kiểm soát viên Công ty Liksin, đã nêu ra hàng loạt vấn đề liên quan đến quy định quản lý đất đai khiến các DN, đặc biệt là các DN nhà nước, “khốn khổ”. Đó là, hợp đồng thuê đất không khớp với diện tích thực tế; việc xin điều chỉnh hợp đồng thuê đất đúng diện tích rất khó khăn; tiền thuê đất bị dồn ứ nhiều năm, có khi hàng chục năm, nếu phải đóng theo giá thẩm định hiện tại thì nhiều khi tiền thuê đất còn lớn hơn cả quy mô vốn của công ty…

Thậm chí, có DN đã đóng tiền tạm ứng để nhận chuyển nhượng đất nhưng không được nhận, rồi đề nghị trả lại tiền cũng không được giải quyết. Những bất cập này xuất phát từ việc các quy định quản lý đất đai chồng chéo, cần phải có sự vào cuộc và quyết tâm không chỉ của ngành tài nguyên - môi trường mà còn cả các ngành tài chính, thuế, quy hoạch... để cùng tháo gỡ. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận, hiện quy định pháp luật vẫn còn chồng chéo, khiến đơn vị thực thi pháp luật và DN cùng gặp khó khăn. Thời gian qua, Sở TN-MT cùng các sở, ngành luôn đồng hành và giúp DN quản lý, sử dụng đất đai đúng quy định, hiệu quả. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Sở TN-MT sẽ tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến các vấn đề của DN đặt ra, sau đó sẽ có câu trả lời đầy đủ, chính xác. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của cả DN và cơ quan quản lý nhà nước đối với từng vụ việc tồn đọng mà DN kiến nghị. Đồng thời, sở cũng sẽ họp rút kinh nghiệm việc nào thuộc thẩm quyền nhưng làm chưa tốt, làm chậm để từ đó khắc phục; đồng thời sẽ tham mưu cho UBND thành phố nhằm đưa ra các giải pháp xử lý.

Đã nộp tiền vào ngân sách, có lấy lại được không?

Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ phản ánh, công ty đã nộp hơn 3,9 tỷ đồng để chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án đầu tư xây nhà ở trên diện tích hơn 1.396m2 tại đường Lê Trọng Mân, thị trấn Cần Thạnh. Sau đó, Ban Đổi mới doanh nghiệp không cho các DN nhà nước thực hiện dự án xây nhà ở để bán, vậy DN có được nhận lại hơn 3,9 tỷ đồng đã nộp?

Về vấn đề trên, đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, muốn nhận lại tiền đã nộp thì DN phải có văn bản, chứng cứ gửi đến cơ quan đã thu tiền của DN để giải quyết theo quy định của pháp luật. DN đã nộp tiền vào ngân sách cần được sở, ngành liên quan trả lời bằng văn bản, để DN không bị thâm vốn, không mất quyền lợi. 

Tin cùng chuyên mục