Gỡ vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) ở Việt Nam là một vấn đề lớn, thực hiện trong nhiều giai đoạn. 

Trong những năm gần đây, với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành, doanh nghiệp công nghệ, CPĐT ở Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi; hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước đi vào hoạt động; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ được vận hành; Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện…

Tuy nhiên, trong năm 2019, việc phát triển CPĐT vẫn nảy sinh một số tồn tại cần phải giải quyết trong năm 2020 và những năm tới. Đó là các nghị định, hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT, chưa được ban hành như: Nghị định định danh, xác thực điện tử; quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; văn thư, lưu trữ điện tử; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân… Chưa ban hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đất đai; trên 70% các bộ ngành địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 còn thấp; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến đối với dịch vụ công trực tuyến cũng còn thấp; thiếu nguồn lực tài chính. 

Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống; việc xây dựng CPĐT chồng chéo; các bộ ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm khác nhau và không có khả năng liên thông…

Chiến lược về CPĐT của Việt Nam là nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tới mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, làm cho Chính phủ trở nên minh bạch hơn, phòng chống tham nhũng. CPĐT cũng là một cách để Chính phủ tương tác với người dân và doanh nghiệp; sử dụng công nghệ số giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ công, để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Để thực hiện được các mục tiêu đó, theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta cần đẩy mạnh sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT)… để đẩy nhanh số hóa Chính phủ, giúp người dân và doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình ra quyết định của Chính phủ, quản trị Chính phủ theo tiêu chuẩn quốc tế. Không làm mạnh và tốt vấn đề này, CPĐT Việt Nam sẽ khó theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như mang lại những giá trị tích cực, cụ thể cho người dân.

Một vấn đề khác, Việt Nam hiện đang có chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh… Tất cả những nội dung này đều hướng đến CPĐT. Vì vậy, không nên thành lập thêm các ban chỉ đạo về Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số... Tất cả cần tập trung về một đầu mối là Ban Chỉ đạo quốc gia về CPĐT, nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực, thống nhất chỉ đạo, điều phối để không bị chồng chéo nhau.

Chính phủ nên giao Bộ TT-TT làm cơ quan điều phối thống nhất đảm bảo các dự án về CPĐT, hệ thống phần mềm nền tảng ở các bộ ngành, địa phương, bám sát mục tiêu, tiêu chuẩn CPĐT của Chính phủ. Bộ TT-TT sẽ giám sát đánh giá, tháo gỡ khó khăn và tổng hợp báo cáo trực tiếp lên Ủy ban quốc gia về CPĐT. Vấn đề này cần thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có 2 cơ quan cùng điều phối về CPĐT. Có như vậy, thì những vướng mắc trong xây dựng CPĐT mới sớm được giải quyết và có thể phát triển như kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục