Gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) giảm sút mạnh so với năm trước và chưa có nhiều dấu hiệu sáng sủa hơn cho năm tiếp theo, đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn BĐS Việt Nam 2019, do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ngày 27-11 tại Hà Nội. Nhiều bất cập của thị trường đã được đại diện Bộ Xây dựng và các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS mổ xẻ. Và thật trùng hợp, vào đúng thời điểm diễn đàn lớn nhất trong năm về thị trường BĐS diễn ra, thông tin về dự án Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” đang tràn ngập trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, như một minh chứng cho hệ lụy của việc thiếu hành lang pháp lý cho thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự đổ vỡ này đã được dự báo trước, bởi thị trường căn hộ du lịch (condotel) được phát triển ồ ạt với mức tăng trưởng lên đến 30%/năm, trong khi Luật Kinh doanh BĐS 2014 chưa hề có quy định nào cho việc giao dịch, chuyển nhượng loại hình này. Hậu quả là, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước đau đầu, các doanh nghiệp lâm vào kiện tụng, người dân chịu thua thiệt mà lòng tin vào thị trường vừa được nhen nhóm lại có nguy cơ bị đổ vỡ.

Thực tế cũng cho thấy, trong năm 2019 thị trường BĐS đã chứng kiến hàng loạt các sai phạm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; các vụ kiện tụng, tranh chấp giữa chủ đầu tư, ban quản trị chung cư, khách hàng… mà phần lớn đều xuất phát từ những vướng mắc về pháp lý. Như đối với việc chuyển nhượng dự án, dù quy định hiện hành đã khá chặt chẽ, khắt khe, nhưng pháp luật vẫn còn thiếu quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Cho đến thời điểm này, trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp khi gây thiệt hại cho khách hàng vẫn chưa được quy định cụ thể. Hiện chủ đầu tư dự án chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong khi khách hàng vẫn “tiền mất tật mang”, không được bồi thường thiệt hại dân sự.

Ngay tại diễn đàn này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Nguyễn Trần Nam đã “than trời” vì thị trường phải chờ đợi quá lâu việc điều chỉnh, hoàn thiện nhiều bộ luật như: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS... Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch, đến quản lý sử dụng BĐS còn thiếu rất nhiều, hoặc nếu có thì lại chồng chéo giữa các luật. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn 3 - 4 năm nay cũng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là sớm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện một số quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh BĐS để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành quy định về chế độ sử dụng đất với loại hình condotel; Bộ Xây dựng cần khẩn trương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, trong đó có vấn đề về thỏa thuận lợi nhuận, cam kết của chủ đầu tư với khách hàng đối với loại hình căn hộ này.

Thị trường BĐS Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác. Thị trường BĐS phát triển đúng hướng sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường BĐS phát triển, đủ công cụ cho công tác quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi khách hàng phải được coi là yêu cầu bức thiết. Đừng để các tình trạng vướng mắc, như vấn đề condotel, quản trị nhà chung cư… cứ nhắc đi nhắc lại, nhắc tới nhắc lui vẫn không giải quyết được. Gỡ những chỗ cần gỡ, buộc những chỗ cần buộc, điều tiết được mọi diễn biến của thị trường là điều mà thị trường BĐS đang nóng lòng chờ đợi. Đó cũng là cơ hội cho thị trường BĐS khởi sắc trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục