Gỡ vướng mắc để tăng tốc xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Chiều 21-2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tư vấn NJPT và các liên danh nhà thầu thi công cùng các sở ngành liên quan đã thị sát tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Gỡ vướng mắc để tăng tốc xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Đoàn đã kiểm tra, khảo sát tại ga Nhà hát Thành phố, đoạn hầm nối từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son, nhà ga Phước Long; đồng thời kiểm tra việc thi công tại công trường lắp ráp, hàn ray tại khu vực gần ga Phước Long. Hiện nay, việc xây dựng các ga này cơ bản đã hoàn thành, đang bước vào các giai đoạn hoàn thiện, lắp ráp.

Gỡ vướng mắc để tăng tốc xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ảnh 1
 Qua buổi kiểm tra, khảo sát, lãnh đạo TP tin tưởng dự án có thể hoàn thành, đưa vào vận hành vào cuối năm 2020. Sau khi kiểm tra, khảo sát, trao đổi với lãnh đạo UBND TPHCM, các liên danh tư vấn, nhà thầu cho biết, hiện nay khó khăn nhất là việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, cũng như việc chậm thanh toán cho các hạng mục đã hoàn thành, khiến dự án bị chậm tiến độ. 
Gỡ vướng mắc để tăng tốc xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ảnh 2
 Đại diện Liên danh Tư vấn NJPT cho rằng, mối quan tâm chính và lớn nhất của hai bên hiện nay là thanh toán cho nhà thầu, tư vấn các hạng mục đã hoàn thành, bởi đây là vấn đề tồn đọng và đình trệ trong thời gian dài. Hy vọng Thành phố sẽ tạm ứng ngân sách để thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn cho đến khi Dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. 

  Đại diện Liên danh Sumitomo - Cienco 6 cho biết, hợp đồng hoàn thành gói thầu của đơn vị đã qua từ tháng 1-2018 nên mong muốn thành phố gia hạn thời gian hoàn thành. Đồng thời, Liên danh cũng đề nghị thành phố sớm phê duyệt các hồ sơ thiết kế kỹ thuật để kịp tiến độ xây dựng, nhất là trạm biến áp Bình Thái. Liên danh Sumitomo - Cienco 6 tin tưởng thành công của dự án có thể đạt được thông qua sự hợp tác giữa các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu.

Dự án tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án đầu tiên được triển khai xây dựng của mạng lưới 8 tuyến metro của TP. Đây là một trong những công trình trọng điểm, đặc biệt quan trọng của TP nhằm giải quyết ùn tắc và phát triển giao thông tại cửa ngõ Đông Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tính đến nay, dự án đã hoàn thành được 62,5% tổng khối lượng toàn dự án. Để đạt được mục tiêu hoàn thành cuối năm 2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ ngành Trung ương tích cực tìm kiếm nguồn vốn bổ sung để thanh toán cho nhà thầu; chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Lãnh đạo thành phố sẽ định kỳ theo dõi, nắm bắt tiến độ và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dự án trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao cho các sở, ngành hỗ trợ Ban Quản lý Đường sắt Đô thị các thủ tục pháp lý về điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng; tham mưu đề xuất thành phố về giải pháp để giải ngân cho các nhà thầu; hỗ trợ giải quyết việc thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án…

Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các đơn vị tư vấn, các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để cùng với Ban Quản lý Đường sắt đô thị triển khai dự án đảm bảo “an toàn - chất lượng - tiến độ và tăng tốc” trong năm 2019, lũy kế khối lượng đạt 80% tổng khối lượng, hoàn thành mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2020 theo đúng Nghị quyết của Đảng bộ thành phố đề ra.

Theo UBND TP, Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam nói chung cũng như TPHCM nói riêng. Tính đến cuối năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 5 của TP với hơn 1.200 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP hiện có hơn 1.000 thành viên. Kể từ khi mở lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam vào năm 1992 tới nay, Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD. Nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước, trong đó có dự án xây dựng tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Tin cùng chuyên mục