Gỡ khó qua đối thoại

Mới đây, hàng chục hiệp hội doanh nghiệp một lần nữa lại kiến nghị được đối thoại trực tiếp với Bộ TN-MT về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường 2020 mà bộ này chủ trì soạn thảo. 

Mặc dù công nhận Bộ TN-MT đã tổ chức nhiều cuộc trưng cầu ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia và doanh nghiệp trong quá trình dự thảo, song theo các hiệp hội vẫn còn rất nhiều bất hợp lý.

Thậm chí, một số vấn đề được Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chỉ đạo tiếp thu tại cuộc họp với 15 hiệp hội (ngày 18-10-2021) đã không thể hiện trong bản dự thảo mới nhất trình Chính phủ xem xét ban hành. Đơn cử như quy định ngành ô tô - xe máy phải thu gom các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường về khí thải được cho là bất khả thi. Quy định hồ sơ đăng ký tổ chức đủ điều kiện tái chế, thực hiện tái chế là tăng thêm thủ tục hành chính, không đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoặc yêu cầu bên được ủy quyền tái chế phải được ít nhất 3 nhà sản xuất đồng ý ủy quyền là vi phạm điều 7 của Luật Đầu tư, dẫn đến hạn chế hoạt động tái chế thay vì khuyến khích… 

Một số quy định khác có tiếp thu nhưng lại… nửa vời. Dự thảo đã bỏ Văn phòng EPR (EPR là cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, Văn phòng EPR là tổ chức ngoài công lập, chịu sự chỉ đạo, quản lý, giám sát của Bộ TN-MT, hỗ trợ cho hoạt động tái chế) nhưng lại thay bằng “Văn phòng giúp việc cho Hội đồng EPR”. Theo các chuyên gia pháp lý, Nghị định 53/2006/NĐ-CP (về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập) có quy định “đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập”. Như vậy, Văn phòng EPR nếu là tổ chức sự nghiệp ngoài công lập như dự thảo nghị định thì các hoạt động của EPR cần được quyết định bởi cộng đồng doanh nghiệp thay vì Bộ TN-MT.

Ví dụ khác là dự thảo mới đã công nhận tiền đóng góp tái chế “chỉ được dùng cho mục đích tái chế” (đúng theo Luật Bảo vệ môi trường và theo góp ý) nhưng lại quy định việc xin hỗ trợ để tái chế, duyệt hỗ trợ định kỳ hàng năm. Điều này dễ tạo cơ chế xin - cho, đồng thời có thể gây chậm trễ, không đáp ứng được những yêu cầu hàng ngày về xử lý môi trường. Để tránh hạn chế này, việc tái chế cần được làm theo hình thức đấu thầu và chỉ những loại tái chế nào không có doanh nghiệp làm thì Nhà nước mới cần hỗ trợ.

Một chi tiết nhỏ cũng đã được các chuyên gia rà soát văn bản phát hiện là quy định “tiền lãi ngân hàng của đóng góp tái chế được dùng để chi trả chi phí quản lý hành chính” dễ được hiểu là toàn bộ tiền lãi sẽ được dùng chi trả cho mục đích này, mâu thuẫn với các quy định về chi phí quản lý hành chính của nhà nước; nên chăng sửa lại là “chi phí quản lý hành chính được trích từ tiền lãi ngân hàng”. Bên cạnh đó, dự thảo trình Chính phủ đã có một số điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường so với dự thảo trước nhưng vẫn chưa có quy định rõ ràng về thời điểm thực hiện cấp thủ tục online. Dự thảo đã lùi thời gian thực hiện trách nhiệm tái chế đến 1-1-2024. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, nghiên cứu công nghệ để hoàn thiện một nhà máy xử lý tái chế cũng cần khoảng thời gian ít nhất 2-3 năm và trong tình hình đại dịch Covid-19 có thể phải lâu hơn nữa…

Với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, những vấn đề nêu trên (và nhiều vấn đề khác) cần được Bộ TN-MT cân nhắc kỹ hơn, đương nhiên vẫn đảm bảo nguyên tắc “không hy sinh môi trường chỉ để tăng trưởng”.

Tin cùng chuyên mục