Gỡ khó cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 30-5, tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị làm việc với 8 tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu) về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Điểm sáng giữa những khó khăn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin: Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam quý 1 vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình chuyển biến tốt hơn, số lao động thất nghiệp đã giảm xuống. Năm nay cũng là một năm nông nghiệp được mùa, được giá và dự kiến xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đứng đầu thế giới.

Với vai trò quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm 43% GDP và chiếm 42% tổng thu ngân sách của cả nước, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng, các nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp ý kiến tâm huyết của mình để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bộ ngành đưa ra quyết sách đúng đắn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin: Trong các tháng đầu năm, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của TPHCM. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP chỉ tăng 1,03%, tổng thu ngân sách 5 tháng ước đạt hơn 139.000 tỷ đồng, đạt 34,3% dự toán, giảm 16% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, chỉ số sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài đều giảm; số doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể lại tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của TP vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận, trong đó, tổng thu ngân sách dù giảm nhưng vẫn chiếm khoảng 25% GDP và đóng góp khoảng 25% vào tổng thu ngân sách của cả nước; khối lượng đầu tư công đạt gần 17.000 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch vốn đã giao trong năm 2020; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 16,9 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Có 2/4 ngành công nghiệp trọng yếu có mức tăng trưởng khá, trong đó ngành hóa chất, cao su - nhựa tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Từ nay đến hết năm, TPHCM tập trung hỗ trợ doanh nghiệp với 5 nhóm giải pháp: hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí sản xuất kinh doanh, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu; tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ, sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành; tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; kịp thời dự báo, phối hợp với các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.

Về tình hình thực hiện công tác điều phối liên kết phát triển kinh tế vùng, TPHCM tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị 19 và Kết luận 289 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Gỡ khó cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị
Ưu tiên giao thông kết nối

Sau khi nghe phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian vừa qua và sớm đẩy mạnh nội lực của TP; thu hút, liên kết mạnh mẽ với các tỉnh miền Đông, miền Tây vì vị thế, năng lực khoa học - công nghệ, nguồn lực chuyên gia đầu ngành, tiêu thụ sản phẩm của TPHCM rất lớn. 

Tại hội nghị, các tỉnh thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đã kiến nghị Trung ương tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, nhất là tuyến đường cao tốc, phát triển các khu công nghiệp nhằm tránh tình trạng các địa phương tự làm, đầu tư dàn trải. Đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ ngân sách để đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng tình với ý kiến của các địa phương, lãnh đạo một số bộ ngành cũng cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà TPHCM đóng vai trò hạt nhân, có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với kinh tế của đất nước nhưng hiện nay vùng đang có dấu hiệu phát triển chậm lại do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính liên kết vùng chưa cao, chưa có cơ chế chính sách đặc thù nên rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để tháo gỡ nút thắt và vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 8 tỉnh, thành phố với kết quả đạt được trong mùa dịch bệnh vừa qua. Thủ tướng lưu ý, dịch bệnh vẫn xung quanh ta nên không được chủ quan, phải quyết liệt với công tác phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng trọng điểm của các vùng trọng điểm, xét về quy mô và đóng góp của vùng và trong tương lai gần sẽ là vùng siêu đô thị của khu vực Đông Nam Á nên cần đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ để phát triển.

Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm cả ngân sách để kích thích cơ chế hoạt động.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu gói hỗ trợ đầu tư để các địa phương trong vùng đầu tư giao thông kết nối, điều chỉnh bổ sung quy hoạch khu công nghiệp của vùng để thu hút, đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất giải pháp để các tổ chức tín dụng tham gia các gói đầu tư giao thông PPP. Giao Bộ TN-MT nghiên cứu, điều chỉnh ngay quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho khu đô thị và khu công nghiệp. Giao Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất lập đề án giao thông kết nối với các khu công nghiệp, bến bãi, logistics, trong khu vực để tạo động lực phát triển.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã đi thị sát khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải; dự án cầu Phước An; thị sát vị trí triển khai Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; thăm dự án của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD. 



Tin cùng chuyên mục