Gỡ khó cho giáo dục học sinh khuyết tật

Năm học 2018-2019, tổng số học sinh khuyết tật đang theo học hòa nhập tại các trường từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM tăng 590 em so với năm học trước đó. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động, các trường chịu áp lực cao về sĩ số, gây khó khăn cho công tác giảng dạy. 

Thay đổi nhận thức giáo viên

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2018-2019, toàn TP có 725 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT tiếp nhận học sinh khuyết tật học hòa nhập, tăng 8 trường so với năm học 2017-2018. Vậy nhưng, theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP, đội ngũ giáo viên tại các trường đang có nhiều biến động trong những năm gần đây.

Cụ thể, nhiều giáo viên xin nghỉ việc, chuyển công tác khác gây khó khăn cho việc duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, số lượng học sinh học hòa nhập ngày càng tăng khiến các trường chịu áp lực cao về sĩ số, cơ sở vật chất không đáp ứng nên yêu cầu giảm sĩ số học sinh/lớp khi tiếp nhận học sinh khuyết tật chưa thực hiện được ở một số nơi, gây quá tải công việc cho giáo viên. 

Gỡ khó cho giáo dục học sinh khuyết tật ảnh 1 Học sinh khuyết tật tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu quận 10, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi lớp học tiếp nhận một học sinh khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số lớp đó được giảm 5 học sinh. Tuy nhiên trên thực tế, do áp lực khá cao về tuyển sinh nên nhiều năm qua, chưa thực hiện được việc giảm sĩ số theo quy định. Nhiều giáo viên còn e dè khi tiếp nhận học sinh khuyết tật do không được đào tạo bài bản về chuyên môn”, hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập TPHCM, giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành giáo dục đặc biệt, hầu hết chỉ được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giáo dục đặc biệt do sở hoặc phòng GD-ĐT tổ chức 1 - 2 đợt/năm học. “Bồi dưỡng ngắn hạn như vậy chỉ giúp các thầy, cô bổ sung nhận thức, hiểu đúng mục tiêu của giáo dục đặc biệt chứ phương pháp cụ thể phải làm thế nào thì phải có chuyên môn mới làm tốt được. Do đó, dù hiện nay các trường phổ thông đã mở cửa hơn với học sinh khuyết tật nhưng dạy cho hiệu quả vẫn là bài toán khó”, ông Nguyễn Thanh Tâm giãi bày.

Để giải quyết khó khăn, vị này kiến nghị các trường phổ thông khi tiếp nhận học sinh khuyết tật cần phối hợp chặt chẽ hơn với các trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập để có sự hỗ trợ qua lại về chuyên môn, giáo viên trường phổ thông có thêm cơ sở để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật.

Ngoài ra, hiện nay nhiều giáo viên tiếp nhận trẻ khuyết tật nhưng hiểu chưa đúng về yêu cầu giáo dục trẻ. Theo định nghĩa của Luật Giáo dục: Giáo dục hòa nhập là một phương thức giáo dục tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học bằng chính khả năng và nhu cầu thực tế của mình, trong đó học văn hóa chỉ là một trong những nội dung, bên cạnh các yêu cầu về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng tự phục vụ. Ông Nguyễn Thanh Tâm đề xuất các trường thay vì bắt trẻ học theo một chương trình văn hóa sẵn có thì cần tạo ra môi trường học tập thân thiện, không bắt trẻ thay đổi mà chính hệ thống nhà trường, giáo viên, cơ sở vật chất, cách đánh giá phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tế của trẻ. 

Cần chính sách giữ chân đội ngũ

Nhiều năm trở lại đây, sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, hầu hết là người ngoại tỉnh, rất ít người có hộ khẩu TP. Do đó, sau khi tốt nghiệp, họ không chọn môi trường công lập để công tác mà có xu hướng làm dịch vụ, nhận hỗ trợ cá nhân cho trẻ khuyết tật tại gia đình hoặc cộng tác với các bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng ngoài công lập để làm việc với mức thu nhập cao hơn. Thực tế này khiến trường công dù thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển; chế độ đãi ngộ chưa thu hút nên không cạnh tranh nổi với môi trường dịch vụ. 

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, ngoài yêu cầu về thu nhập, giáo viên dạy hòa nhập cần được tạo môi trường làm việc thoải mái, thuận lợi thông qua sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất của các đơn vị, giúp các thầy cô yên tâm công tác, phát huy tối đa năng lực bản thân. Từ năm học 2017-2018 đến nay, Sở GD-ĐT TP định kỳ tổ chức hội thi làm đồ dùng, đồ chơi giáo dục đặc biệt nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, tự làm, cải tiến, bảo quản và khai thác sử dụng đồ dùng, đồ chơi, qua đó phục vụ tại chỗ và kịp thời nhu cầu giảng dạy của các trường tiếp nhận học sinh hòa nhập.

Theo đại diện Sở GD-ĐT, hội thi sẽ trở thành một trong những hoạt động sư phạm thường xuyên nhằm góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục hòa nhập. 

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TPHCM cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT quy định thêm chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhân viên khối gián tiếp trong các trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập công lập để giúp đội ngũ này yên tâm công tác, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc học sinh khuyết tật.

Hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, đánh giá học sinh khuyết tật được chia thành 2 loại: đối với học sinh đủ năng lực đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông thì đánh giá theo chương trình học nhưng có giảm nhẹ một số nội dung; đối với học sinh không đủ năng lực đáp ứng chương trình thì được giảm số lượng môn học, thay thế môn học này bằng môn học khác phù hợp khả năng thực tế, đánh giá học sinh bằng chính sự tiến bộ của các em thông qua kế hoạch giáo dục cá nhân.

Tin cùng chuyên mục