Gỡ khó cho đánh bắt thủy sản

Những năm gần đây, nghề đánh bắt thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng công suất tàu, giảm đánh bắt ven bờ, chấp hành quy định đánh bắt có địa chỉ, nhật ký khai thác. Tuy nhiên, nghề “săn lộc biển” cũng đang gặp không ít khó khăn.

Sản lượng tăng nhưng lợi nhuận giảm

Cảng cá Incomap tại phường 5, TP Vũng Tàu những ngày cuối tháng 3 tấp nập những chiếc xe đông lạnh chở đầy ắp thùng hải sản nối đuôi nhau rời cảng. Dưới bến, tiếng động cơ từ tàu cá hòa lẫn tiếng gọi í ới của cánh bạn thuyền sau chuyến đi biển đầu năm khiến khu vực kênh Bến Đình nhộp nhịp hơn hẳn.

Đang chỉ huy cánh thợ thuyền chuyển mẻ cá thu từ hầm tàu lên cân cho thương lái, ông Phạm Văn Ba, chủ của đôi tàu lưới kéo hơn 600CV cho biết, chuyến đi biển đầu năm của ông diễn ra khá thuận lợi, tôm cá đánh bắt được nhiều hơn vài tấn so với cùng kỳ và bán cũng được giá. Nhưng, ngặt một nỗi giá nhiên liệu leo thang, sau khi tính toán các chi phí thì chuyến biển này của ông Ba cũng chỉ lời đôi chút để chia cho anh em bạn thuyền vài ba triệu đồng/người, nhằm động viên tinh thần cho chuyến tiếp theo.

Tại cảng cá Phước Tỉnh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) một trong những cảng cá lớn của vùng Đông Nam bộ, không khí lao động cũng không kém phần nhộn nhịp. Ông Phạm Song, chủ của cặp tàu lưới vây hơn 400CV vừa nhâm nhi ly cà phê vừa chia sẻ về chuyến đi biển đầu năm không mấy thuận lợi của mình. Sau tết, phần vì dịch bệnh còn phức tạp, phần vì bạn thuyền mãi vui xuân nên tàu thiếu lao động trầm trọng, nên phải sau mùng 10 tàu của ông mới có thể vươn khơi.

Năm nay, chi phí nước đá, gas, lương thực, thực phẩm tăng 15-20%, lại phải thêm một khoản giữ chân bạn thuyền. “Đánh bắt thì ngày càng khó khăn, bỏ tàu thì không nỡ mà đi đánh bắt kiểu này rất dễ thua lỗ nên rất mong Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển”, ông Song nói.

Gỡ khó cho đánh bắt thủy sản ảnh 1 Lên hàng cá ở cảng cá Incomap, phường 5, TP Vũng Tàu

Chi phí tăng cao, thiếu hụt nhân công lao động đã khiến không ít tàu của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phải nằm bờ. Tính riêng huyện Xuyên Mộc, địa phương có hơn 500 tàu cá với hơn 2.000 lao động, từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng 80% tàu cá vươn khơi và hoạt động cầm chừng, số còn lại phải nằm bờ vì lỗ nặng. 

Tái cơ cấu đội tàu

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến giữa tháng 3-2021, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 86.164 tấn, tăng gần 3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác của nhóm đối tượng có giá trị kinh tế cáo như họ cá thu, cá ngừ, cá cờ, mực ống, bạch tuộc đều tăng. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp Tết ở các mặt hàng như cá thu, cá ngừ, mực tươi, mực khô, cá cờ… khiến giá cũng tăng theo và góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản lượng khai thác trong quý 1-2021.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 2.910 tàu khai thác xa bờ. Năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu giữ ổn định sản lượng khai thác khoảng 350.000 tấn, trong đó, sản lượng hải sản từ đánh bắt xa bờ, có giá trị cao để làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trên 70% và giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp.

Để tiếp sức cho ngư dân bám biển, ngành nông nghiệp đã triển khai kịp thời các chính sách phát triển thủy sản, thực hiện quyết định số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ cho hơn 400 tàu cá với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng trong năm 2020. Hiện sở đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục hồ sơ các tàu cá khai thác xa bờ, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết thêm, theo định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu giảm số lượng tàu cá còn 5.000 tàu, trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ, giảm tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ, tàu cá khai thác mang tính hủy diệt môi trường, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản; với những tàu cá kém chất lượng (trên 25 năm sử dụng), quản lý kiểm soát, không cho đóng mới, phát triển tàu cá hoạt động bằng nghề lưới kéo; ưu tiên phát triển tàu cá khai thác viễn dương bằng nghề câu và lưới vây.

Tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ, khai thác mang tính hủy diệt sang nghề phù hợp với tập quán, kinh nghiệm của ngư dân; xúc tiến việc xây dựng trung tâm nghề cá và rà soát cơ cấu nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, vùng lộng để phân bổ hạn ngạch phù hợpq

Tin cùng chuyên mục