Gỡ khó cho cây tiêu

Từ cuối năm 2015 đến nay, hồ tiêu liên tục rớt giá và chạm đáy. Giá hồ tiêu hiện chỉ bằng gần 1/5 so với đỉnh giá khiến không ít người trồng tiêu ở khu vực Đông Nam bộ lao đao, nhất là những hộ mới trồng lúc giá ở mức cao. Hiện nguồn cung đang dư thừa nên trong ngắn hạn giá sẽ chưa thể tăng trở lại. Sản xuất hồ tiêu đang đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, kể cả cắt giảm diện tích, để gỡ khó cho mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược này. 

“Bùng nổ” diện tích

Khi giá tiêu tăng cao, gần 230.000 đồng/kg, ít ai ngờ, có ngày giá tiêu sẽ chỉ còn dưới 50.000 đồng/kg như hiện nay. Vậy nên, thời điểm cao giá, người dân ồ ạt tăng diện tích, đến mức các địa phương đã không thể đưa ra con số thống kê chính xác về diện tích trồng hồ tiêu tại Đông Nam bộ.

Chỉ đến khi giá tiêu giảm sâu như năm nay, buộc ngành chủ quản phải vào cuộc, người ta mới biết được diện tích thật của cây hồ tiêu đã “bùng nổ” vượt xa quy hoạch của ngành NN-PTNT.

Tại tỉnh Bình Phước, theo thống kê mới nhất, đến tháng 5-2018, toàn tỉnh có 17.178ha hồ tiêu, vượt 2.678ha so với quy hoạch (14.500ha vào năm 2020). Hồ tiêu tập trung nhiều nhất tại 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích tiêu toàn tỉnh là 7.000ha, nhưng hiện diện tích tại đây đã là 13.000ha (vượt 85,7%) (tập trung nhiều nhất tại huyện Châu Đức với hơn 5.500ha).

Gỡ khó cho cây tiêu ảnh 1 Người dân xã Quảng Thành, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chăm sóc vườn tiêu
Tuy nhiên, tăng mạnh nhất vẫn là tại Đồng Nai. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) thuộc Sở NN-PTNT tỉnh, chỉ trong khoảng 3 năm từ 2013 - 2015, diện tích hồ tiêu tăng ồ ạt và đến cuối năm 2017 đã đạt khoảng 17.000ha (tập trung nhiều nhất tại các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú và Trảng Bom), trong khi diện tích quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 7.600ha (vượt 123,68%).

Điều đáng chú ý là, những con số mới nhất này đều vượt bình quân khoảng 1.000ha so với số liệu các địa phương báo cáo cách đây gần 1 năm.

Điều đó cho thấy, các nông hộ đã bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc cẩn thận trong trồng mới hồ tiêu. Sản lượng tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu dùng có hạn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rớt giá trong gần 3 năm qua.

Giải pháp nào?

Giải pháp đầu tiên mà người trồng tiêu nghĩ đến là trữ hàng chờ giá lên. Ông Nguyễn Minh Tý (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) có hơn 20 năm trồng tiêu, cho biết, gia đình ông có 4ha tiêu, cho thu hoạch 8 tấn/năm. Do giá rớt mạnh, nếu bán sẽ lỗ nặng, nên sau khi thu hoạch, ông chưa vội bán hết mà trữ lại chờ giá lên.

Theo ông, “lúc này giá tiêu hiện không thể xuống thấp hơn nữa, việc trữ tiêu chắc chắn sẽ thu lời nhiều hơn”. Nhưng với những người mới thu hoạch, chưa có vốn tích lũy, họ vẫn buộc phải bán để trang trải chi phí đầu tư và chi tiêu.

Một giải pháp nữa là trồng xen một số cây trồng ngắn ngày như mô hình trồng thêm cây củ mài ở HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từ cách đây 3 năm khi giá hồ tiêu xuống thấp. HTX đã bắt đầu thử nghiệm nhiều cây trồng cộng sinh với tiêu và thành công với cây củ mài.

Trên diện tích 20ha tiêu, HTX thu về 4,5 tỷ đồng doanh thu chỉ riêng với cây củ mài, sản lượng 30 tấn (hiện giá thị trường là 150.000 đồng/kg).  
Còn theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, ngành tiếp tục khuyến cáo bà con không mở rộng diện tích, nhất là trên đất không phù hợp.

Với diện tích hiện có, nên chuyển sang thâm canh chăm sóc theo mô hình tiêu sạch, tiêu hữu cơ, giảm dư lượng thuốc BVTV, tăng chất lượng sản phẩm, qua đó giảm giá thành sản xuất. Nhân rộng các mô hình liên kết HTX sản xuất tiêu sạch gắn với thị trường tiêu thụ theo hướng sản xuất bền vững. 
Từ năm 2013, Bình Phước đã triển khai Dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, do tổ chức Phát triển Hà Lan - SNV, Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Nedspice Việt Nam) phối hợp với Sở NN-PTNT thực hiện.

Đến nay, đã hình thành được 24 câu lạc bộ (CLB) sản xuất tiêu bền vững ở 3 huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản; tập huấn kỹ thuật và các nguyên tắc canh tác tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance) để tiêu xuất khẩu được vào châu Âu và các thị trường khác) cho hơn 700 nông dân; đã có 523 nông hộ (với diện tích 635,35ha) được cấp chứng nhận thực hành và tuân thủ tốt các nguyên tắc R.A; đồng thời đã kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm tiêu đạt chuẩn cho các CLB tham gia dự án.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lộc cũng than rằng: Chúng tôi cũng khổ với dân vì không có biện pháp chế tài, chỉ đưa ra khuyến cáo không nên trồng mới ồ ạt nhưng cũng không kiểm soát được diện tích. “Cần có chế tài như: nếu hộ nào trồng trên đất ngoài quy hoạch thì sẽ không nhận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước”, ông Lộc nói.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV, cũng cho rằng, một giải pháp căn cơ nữa là các nông hộ phải tìm cách giảm giá thành.

“Hiện giá thành sản xuất tiêu bình quân khoảng 49.000 đồng/kg, nhưng phải giảm mạnh chi phí đầu tư xuống còn hơn 40.000 đồng/kg thì mới có lời, thông qua việc giảm phân bón hóa học, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thực tế, huyện Thống Nhất đã có nhiều mô hình sản xuất tiêu sạch, trồng xen cây đậu phộng giúp giá thành sản xuất chỉ còn 40.000đồng/kg", ông Trần Lâm Sinh cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục