Gõ cửa ngân hàng vay tiền đi học

Không đủ tiền đóng học phí, bạn sẽ làm gì? Nghỉ học, tự lui bước trên con đường học tập; hay gạt tự trọng, ngửa tay xin tiền; hay tự vay tiền để đóng và làm thêm tiếp tục theo đuổi con chữ? Nhiều học sinh, sinh viên (HS, SV) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM đã có lựa chọn văn minh: gõ cửa ngân hàng vay tiền đi học. 
Từ những đồng vốn vay cùng sự nỗ lực của bản thân và gia đình, sinh viên Nguyễn Minh Tuấn giờ đây đã là bác sĩ
Từ những đồng vốn vay cùng sự nỗ lực của bản thân và gia đình, sinh viên Nguyễn Minh Tuấn giờ đây đã là bác sĩ

Đổi đời nhờ vay tiền để học

Tối muộn, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (30 tuổi, công tác tại Bệnh viện Xuyên Á) mới xong công việc. Những ngày này, việc chung việc riêng khiến anh bận rộn. Ở tuổi 30, anh đã là một hình mẫu để bà con dòng họ ở Đa Phước (huyện Bình Chánh) tự hào và kêu con cháu mình nhìn vào học tập: tự đi lên bằng con đường học hành, có công việc và thu nhập tốt, giúp đỡ cho mọi người.

Bà Nguyễn Thị Bế, mẹ Tuấn, nhớ lại những ngày khốn khó của gia đình. Ngày ấy, ba Tuấn đi làm phụ hồ, tiền công chỉ 28.000-30.000 đồng/ngày, mà nhà 4 miệng ăn. Ba mẹ con ngày dệt lưới kẽm, tối soi còng lây lất kiếm sống; được cái hai chị em Tuấn đều ham học. Chị Tuấn đậu vào hệ trung cấp, vài năm sau Tuấn nối gót đậu vào Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Qua sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã, bà Bế làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM cho con đi học. Số tiền vay được khi ấy là 8 triệu đồng/năm, nhận làm 2 đợt. Cứ nhận về là vừa đủ nộp học phí. Còn lại, Tuấn đi làm bồi bàn, dạy kèm để trang trải tiền mua sách vở, tài liệu và sinh hoạt. 

Cũng nhờ những năm tháng chạy bồi bàn mà sau này Tuấn mở được một quán cà phê của riêng mình ở quận 12. Tốt nghiệp đứng hàng thứ 8 trong khóa, bằng IELTS 7.0, Tuấn được nhận ngay vào làm việc tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình rồi tiếp tục học lên chuyên khoa I. Nghĩ lại những ngày tháng đó, Tuấn chia sẻ, thực ra đi học không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công, nhưng đi học sẽ có kiến thức, kỹ năng xã hội làm nền tảng cho thành công. “Mình cố gắng học thì sẽ có người giúp mình. Mình nghĩ khi khó khăn mà có người sẵn sàng giúp mình (như khoản tiền vay ngày ấy) thì nên nắm bắt”, Tuấn nói. 

Tương tự, bà Đào Thị Huỳnh Ngân (57 tuổi, ở phường 13 quận 6) cũng đã “thở phào” khi 2 đứa con gái lớn đã học xong đại học. Bà bảo: “Không có nguồn vốn vay từ ngân hàng, vợ chồng tui lo không nổi”. Đứa học bách khoa, đứa học dược; dưới còn 2 em nhỏ, mà cha mẹ đau bệnh liên miên, quầy bán heo quay ở góc chợ Phú Lâm không nuôi nổi một gia đình lớn. Vậy nhưng chưa khi nào vợ chồng nghĩ tới cảnh vì nghèo mà cho con nghỉ học. Thiếu tiền, bà Ngân đi vay ngân hàng cho con học. Giờ đây, Tô Thanh Trúc đã tốt nghiệp ngành dược, đang vừa học vừa làm để học lên thạc sĩ. Ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, cậu sinh viên Trương Thiện Ân (25 tuổi) cũng nuôi chí học lên tiếp, sau khi tốt nghiệp đứng hàng thứ 5 Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2019. Nuôi Thiên Ân suốt 6 năm đại học là khoản vay vốn sinh viên từ ngân hàng và học bổng mà Ân giành được. 

Nên vay tiền đi học

Ông Huỳnh Minh Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TPHCM, cho hay, thành phố có khoảng 20.000 HS, SV đang học tập nhờ được tiếp sức từ nguồn tiền vay ở ngân hàng. Hiện nay, dư nợ cho vay HS, SV ở TPHCM khoảng 300 tỷ đồng. Mỗi tháng, các em được vay tối đa 2,5 triệu đồng, tức 25 triệu đồng/năm trong suốt quá trình học với lãi suất “mềm” (hiện nay là 0,55%/tháng). Nhiều gia đình có 2-3 HS, SV, số tiền được vay để đi học lên tới hàng trăm triệu đồng. 

Làm thế nào để HS, SV tiếp cận được chính sách tín dụng? Ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TPHCM, cho biết ngân hàng phối hợp chặt chẽ với UBND phường, xã, thị trấn và các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xác nhận đối tượng, điều kiện vay vốn. Đối tượng thụ hưởng là con em hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; HS, SV mồ côi cha, mẹ, hoặc mồ côi cả cha mẹ; gặp khó khăn về tài chính do các nguyên nhân như tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… “Không phải riêng cho HS, SV bị bệnh, bị tai nạn mới vay được mà trong gia đình các em nếu có người rơi vào hoàn cảnh như thế là chúng tôi giải quyết cho vay”, ông Bùi Văn Sổn chia sẻ. 

Từ góc nhìn của nhà giáo, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhận xét, mức học phí ở Việt Nam không quá cao, với chính sách tín dụng nhiều thuận lợi, các em nên mạnh dạn vay tiền để tiếp tục con đường theo đuổi tri thức. Thầy Dũng phân tích: “Ví dụ, học phí ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khoảng 20 triệu đồng/năm học. SV vay tiền học 4 năm là 80 triệu đồng. Ra trường, các em đi làm việc ở Nhật Bản có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/người/tháng, thì chỉ cần nửa năm là… “đủ sổ hụi”. Nếu làm việc ở trong nước, mức lương trung bình của các em là 15 triệu đồng/người/tháng, như vậy thời gian trả nợ ngân hàng có lâu hơn chút, nhưng khả năng các em trả được nợ rất cao”. Để tạo thuận lợi hơn cho HS, SV trong quá trình học tập, PGS-TS Đỗ Văn Dũng đề nghị cần tăng mức vốn tối đa cho HS, SV vay, giúp các em vừa có tiền đóng học phí, vừa trang trải sinh hoạt phí.

Tin cùng chuyên mục