Giúp trẻ tận dụng hữu ích kỳ nghỉ đột xuất

Việc cho trẻ được tạm nghỉ học để phòng chống lây nhiễm Covid-19 là rất cần thiết. Song, kỳ nghỉ dài ngày bao giờ cũng làm cho trẻ xáo trộn khá nhiều trong việc học tập, rèn luyện và nếp sinh hoạt hàng ngày. Các phụ huynh nên quan tâm giúp trẻ tận dụng hữu ích kỳ nghỉ đột xuất này.

Trong kỳ nghỉ hè, trẻ được cha mẹ cho đi chơi, đến thư viện, vui chơi giải trí và các trò chơi vận động, tham gia các lớp dạy kỹ năng sống, rèn luyện thể dục thể thao. Nhưng trong kỳ nghỉ đột xuất này, cần hạn chế tối đa việc tụ tập, đến các nơi đông người, nên trẻ chủ yếu ở nhà.

Chính vì thế, có thể trẻ sẽ có tâm trạng không tốt như cảm giác bất an, phân tán chú ý, lơ là học tập, hành động thiếu hiệu quả, thậm chí phát sinh sức ỳ, lười vận động, hình thành những thói quen xấu như ngủ nướng, xem ti vi quá nhiều...

Việc xáo trộn trong sinh hoạt, học tập cũng có thể hình thành ở trẻ những thói hư tật xấu. Khi các em đi học, thường xuyên được nhà trường nhắc nhở, đôn đốc, uốn nắn tạo thành nền nếp, thói quen tốt, nay nếu ở nhà thiếu sự quản lý, giám sát kịp thời của cha mẹ, các em có thể quá tập trung vào máy tính, chơi game, xem phim mà thiếu sự kiểm soát của người lớn. 

Muốn trẻ tích cực, chủ động và sống có ích trong kỳ nghỉ đột xuất này, nhất thiết cha mẹ phải chủ động có những quy định cần thiết. Trước hết, hãy phân tích cho trẻ hiểu được mối nguy hiểm của bệnh dịch và đặc biệt là cách phòng bệnh hiệu quả theo đúng quy trình mà Bộ Y tế hướng dẫn, qua đó, giúp trẻ tỉnh táo tiếp nhận các thông tin, không chủ quan và cũng không phải quá hoang mang, lo sợ.

Dạy cho trẻ những kỹ năng thiết thực trong thời gian nghỉ ở nhà là việc rất cần thiết với trẻ. Tâm lý đứa trẻ nào cũng háo hức được chơi đùa thoải mái, nếu cha mẹ không đưa trẻ vào khuôn khổ thì rất khó để đề ra những yêu cầu cho trẻ.

Cha mẹ nên tranh thủ dịp này dạy trẻ những kỹ năng căn bản mà trẻ chưa có, như: kỹ năng phòng dịch bệnh an toàn; quy trình thực hiện các biện pháp phòng dịch; sử dụng các thực phẩm được nấu chín; ăn hoa quả tươi và tích cực vận động để tăng sức đề kháng…

Nên giao việc và hướng dẫn trẻ kỹ năng làm việc nhà, nhằm giúp trẻ biết làm và có thể giúp đỡ được gia đình các công việc hàng ngày khi cha mẹ bận rộn. Đây chính là thời điểm dạy cho trẻ những kỹ năng và giá trị sống cần thiết để tránh hiện tượng “nhàn cư vi bất thiện”.

Đó là các công việc như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ, chơi đùa với anh chị em trong gia đình, hoặc trồng cây. Tất nhiên thời gian đó cha mẹ cũng phải quản trẻ trực tiếp hoặc gián tiếp (qua điện thoại, Zalo hoặc Facebook) để hướng dẫn, điều khiển, uốn nắn, điều chỉnh giúp trẻ hoàn thiện công việc một cách tốt nhất, qua đó trẻ thành thạo và hứng thú hơn.

Tin cùng chuyên mục