Giúp hàng Việt “bám rễ” vùng nông thôn

Trong 10 năm qua đã có gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia. Cùng với đó, các nhà bán lẻ nội cũng luôn đồng hành, hỗ trợ nhà sản xuất Việt khi trực tiếp quảng bá và bán hàng lưu động đến các vùng nông thôn, khu công nghiệp. 

Quảng bá hàng Việt rộng rãi 

Theo Bộ Công thương, 10 năm qua, tại các tỉnh biên giới (như An Giang, Sơn La, Kon Tum…), các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan, mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…

Các sở công thương địa phương đã tổ chức thực hiện được 2.988 hội chợ, triển lãm, thu hút 105.650 lượt DN tham gia, với doanh thu bán hàng khoảng 34.546 tỷ đồng. Trong đó, mỗi hội chợ có quy mô 200 - 450 gian hàng, doanh thu trung bình đạt 20 - 50 tỷ đồng.

Ngành hàng tham gia hội chợ rất đa dạng, phong phú, gồm các mặt hàng truyền thống của địa phương, đồ may mặc, đồ dùng gia đình, sành sứ, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng văn hóa phẩm, chế biến, bánh kẹo, giày dép, đồ gỗ nội thất… Bên cạnh đó, các sở công thương cũng đã phối hợp tiếp nhận theo dõi gần 6.000 hội chợ, thu hút gần 1,3 triệu lượt DN tham gia.

Giúp hàng Việt “bám rễ” vùng nông thôn ảnh 1 Các hội chợ hàng Việt góp phần tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất 

Tại Bình Dương, trong 10 năm (2009-2019), thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương tỉnh đã tổ chức thành công 108 phiên chợ tại các khu vực nông thôn và khu - cụm công nghiệp, với tổng doanh thu đạt 50,325 tỷ đồng. Bình quân mỗi phiên chợ có 20 - 25 DN tham gia với khoảng 40 - 45 gian hàng, thu hút khoảng 12.000 lượt khách tham quan, mua sắm.

Đánh giá của Bộ Công thương cho biết, các hội chợ đã đóng góp tích cực giúp DN tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ của DN. Nhờ các chương trình này, hàng Việt có cơ hội được quảng bá và đưa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả. 

Cầu nối

Có thể thấy rằng, kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô, tùy theo từng địa bàn; đồng thời cũng cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của nhiều tổ chức, DN tham gia, như hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)...

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, từ những ngày đầu thành lập, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã quyết tâm nhận lấy sứ mệnh lịch sử làm cầu nối và là người bạn đồng hành của hàng Việt với người tiêu dùng Việt.

Từ đó từng bước xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược “nội địa hóa”, nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các DN Việt Nam trong việc quảng bá và phân phối hàng Việt đến tay người tiêu dùng trong nước. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh kinh doanh hàng Việt tại siêu thị, hệ thống Co.opmart tại các địa phương còn tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”.

Trung bình mỗi năm, Co.opmart thực hiện hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu vùng xa. Chẳng hạn, Co.opmart Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) đã nỗ lực đưa hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các DN trong nước với mức giảm giá hấp dẫn từ 5%-50%, cùng nhiều quà tặng kèm theo.

Thông qua các phiên chợ bán hàng lưu động, Co.opmart Vĩnh Phúc đã trở thành cầu nối thông tin từ phía người tiêu dùng với các nhà sản xuất, giúp DN trong nước nắm được thông tin, có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm, nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng cũng như bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng. 

Hay ở Long An, Co.opmart Tân An cũng được chính quyền địa phương đánh giá cao khi thường xuyên tổ chức bán hàng lưu động về các địa bàn vùng sâu, vùng xa tại các huyện vùng biên giới như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Huệ…

Nhờ chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” mà các địa phương, siêu thị thực hiện, nhiều thương hiệu lớn trong nước đã “bén duyên” với người dân. Nhiều sản phẩm của các công ty không những tạo được uy tín tại thị trường trong nước mà còn có thể cạnh tranh được với các thương hiệu ngoại nhập.

Quan trọng hơn, tiếp cận được các sản phẩm này phần nào đã giúp cho đời sống của người nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được nâng cao hơn.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội cho thấy có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến cuộc vận động; 63% “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 54% “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”... Như vậy, cuộc vận động đã đạt được thành công nhất định trong tuyên truyền, định hướng, giúp DN sản xuất hàng Việt khẳng định thương hiệu, chỗ đứng tại nội địa. 

Tin cùng chuyên mục