Giữa Việt Nam và Anh không có thỏa thuận tiếp nhận lao động ​

Liên quan đến vụ việc 39 người tử vong trong thùng xe container ở Anh, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 1-11, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, đây là một vụ mua bán người, hoạt động tội phạm gây ra hậu quả thảm khốc.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

“Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp tích cực với Anh để làm rõ các thông tin, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và đặc biệt là điều tra làm rõ các hành vi tội phạm, buộc các đối tượng phải đền tội”, ông Quân nói và khẳng định, "đây hoàn toàn không phải là một vụ việc đưa người đi lao động ở nước ngoài được thực hiện theo chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam". Giữa Việt Nam và Anh, cho đến nay, chưa có thỏa thuận tiếp nhận lao động. Chính sách nhập cư của Anh rất chặt chẽ và so với các quốc gia khác, thu nhập tại Anh khá cao, nên quốc gia này trở thành điểm đến của nhiều lao động bất hợp pháp từ nhiều quốc gia khác nhau.

Thứ trưởng Lê Quân nói với phóng viên: “Di cư bất hợp pháp là vi phạm pháp luật. Hành vi tổ chức đưa người nhập cư trái phép được coi là buôn người, một hành vi phạm tội nguy hiểm. Di cư bất hợp pháp đi liền với rủi ro rất cao và người dân di cư bất hợp pháp không được pháp luật bảo vệ”.

Theo ông Lê Quân, cơ hội đi lao động ở nước ngoài hợp pháp hiện nay rất rộng mở và dễ tiếp cận. Việt Nam đã có thỏa thuận đưa người đi làm việc chính thức với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, NewZeland, một số nước Đông Âu, Trung Đông. Cả nước có đến gần 400 công ty được cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Hàng năm nước ta có gần 150.000 người đi làm việc ở nước ngoài.

Thừa nhận vẫn có một số công ty xuất khẩu lao động có hành vi vi phạm, song vị Thứ trưởng khẳng định, Bộ đã dừng và thu hồi giấy phép của nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài; đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định về vấn đề này với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (dự kiến thông qua trong năm 2020), xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để người lao động ở nước ngoài kết nối nhanh với bộ và có chức năng SOS khi cần thiết… Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực này đã được đơn giản hóa. Bộ cũng đã đẩy mạnh hoạt động của các trường dạy nghề để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Thứ trưởng Lê Quân khuyến nghị: “Người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nên chủ động liên hệ qua Trung tâm lao động ngoài nước của bộ, các doanh nghiệp được Bộ cấp phép. Danh sách các công ty này được công khai trên cổng thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội”.

Tin cùng chuyên mục