Giữ xã đảo Thạnh An xanh - sạch - đẹp

Là xã đảo duy nhất của TPHCM, Thạnh An (huyện Cần Giờ) có tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy hải sản, du lịch; đồng thời cũng là xã dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Làm sao để vùng đất này thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, là vấn đề đang được các ngành chức năng địa phương rất quan tâm hiện nay.

Nhiều năm qua, Sở TN-MT TPHCM đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, phấn đấu đưa Thạnh An thành điểm du lịch xanh - sạch - đẹp của thành phố.

Từ việc thấy rõ tác hại của chất thải đối với môi trường, nếu không được thu gom, xử lý đúng quy định thì không chỉ làm xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của dân cư trên đảo mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn lợi từ biển, đến tiềm năng về phát triển du lịch của cư dân xã Thạnh An, các cơ quan chức năng TPHCM và huyện Cần Giờ đã triển khai chương trình “Quản lý môi trường dựa vào cộng đồng” tại xã Thạnh An trong giai đoạn 2017-2020.

Chương trình nhằm giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm do chất thải rắn, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng dân cư, hướng tới nâng cao năng lực chủ động triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, năng lực giám sát của cộng đồng dân cư nhằm xây dựng một xã văn minh - sạch - đẹp, phát triển bền vững theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Giữ xã đảo Thạnh An xanh - sạch - đẹp ảnh 1 Ra quân dọn dẹp rác thải bảo vệ môi trường ở xã Thạnh An

Mục tiêu cụ thể của chương trình là 100% tổ dân phố thành lập và đưa vào hoạt động các tổ tự quản về bảo vệ môi trường; 100% người dân được tuyên truyền, vận động thực hiện các hành vi đơn giản trong bảo vệ môi trường; có các hình thức tuyên truyền đối với du khách đến đảo về du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường khi du lịch; giải quyết và có biện pháp ngăn ngừa các điểm ô nhiễm do thải bỏ chất thải rắn bừa bãi trên địa bàn xã.

Không dừng lại đó, chương trình cũng quan tâm đến việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Xây dựng các giải pháp hữu hiệu đến cộng đồng nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế túi ni lông.

Vận động người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, trong đó cần thiết là khởi nguồn từ việc chấp hành làm gương của lực lượng cán bộ, công chức tại địa phương. Đồng thời kêu gọi các tiểu thương trên địa bàn xã sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với UBND huyện Cần Giờ tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường với các nội dung hoạt động cụ thể như: không xả rác ra đường, xuống biển; phân loại rác tại nguồn, giao rác đúng giờ và để rác đúng nơi quy định; hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khu vực trước nhà; củng cố và phát huy vai trò của tổ tự quản trong công tác tuyên truyền vận động, chuyển hóa địa bàn và giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; dự báo và có giải pháp hiệu quả ngăn ngừa ô nhiễm từ hoạt động du lịch và từ khách du lịch… 

Tin cùng chuyên mục