Giữ vững tinh thần để vượt qua khó khăn

Có việc phải vào khu cách ly tập trung, nhiều ngày sau đó chị H.T. (TP Thủ Đức, TPHCM) rất lo lắng mình mang mầm bệnh về nhà, thậm chí mắc Covid-19. Nỗi lo càng gia tăng khi cậu con trai nhỏ quấy khóc nhiều hơn. 

Chị T. lại “quy tội” cho mình rồi suy nghĩ về nhiều tình huống, kể cả tình huống xấu nhất. Chỉ đến khi tham vấn bác sĩ, được tư vấn cặn kẽ về tình huống của mình, chị T. mới an lòng. Chuyên gia cũng nhắc nhở giữ ổn định tâm lý để không tự làm yếu kháng thể của bản thân, khiến virus dễ tấn công hơn.

Giữ vững tinh thần để vượt qua khó khăn ảnh 1 Chơi đùa, chăm sóc vật nuôi cùng con là một trong những cách thêm niềm vui trong mùa dịch. Ảnh: HỒNG HẢI

Bấn loạn tinh thần

“Dù tôi thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến Covid-19, trong đó có cơ chế lây nhiễm của loại bệnh này, nhưng bản thân vẫn không thoát được những suy nghĩ tiêu cực. Chưa bao giờ tôi phải trải qua những ngày tháng lo lắng, sợ hãi đến vậy”, chị T. tâm sự.

Còn anh H.N. (ngụ quận 5, TPHCM), ngày hay tin ba anh mất do Covid-19, anh cũng bấn loạn tinh thần. Ngoài nỗi buồn đột ngột mất đi người thân, trong anh còn là nỗi lo sợ bản thân cũng mắc Covid-19. Trong lúc nhất thời, anh N. lao ra khỏi nhà vì sợ sẽ lây bệnh cho vợ con. Thậm chí, khi đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, anh vẫn không an tâm. Được mọi người khuyên, anh đồng ý trở về nhà nhưng nhiều ngày sau đó, anh sống lặng lẽ trong phòng riêng, ít giao tiếp với vợ con vì lo có mầm bệnh đang âm thầm sống trong cơ thể mình. Cuộc sống vui vẻ của gia đình anh cũng đảo lộn từ đấy.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Cả hệ thống chính trị và người dân TPHCM chung sức đẩy lùi đại dịch, song dịch bệnh đã tác động lớn đến đời sống người dân, không chỉ từ chuyện cọng rau, con cá mà còn làm tinh thần nhiều người rệu rã.

Công việc của chị T.N. (quận 3) là tổng hợp thông tin, chuyện đọc báo đã quá đỗi quen thuộc suốt nhiều năm qua. Vậy mà giờ đây, công việc quen thuộc ấy lại trở thành nỗi ám ảnh với chị. “Nhìn những con số về ca mắc, số người tử vong, những hoàn cảnh đau thương do dịch bệnh gây ra khiến tôi bị ám ảnh, căng thẳng đến mất ngủ”, chị N. trải lòng.

TS Lê Minh Tiến (Trường Đại học Mở TPHCM) cho rằng, dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn cho nền kinh tế quốc gia nói chung và đời sống của từng người dân nói riêng. Khi phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, thông thường chúng ta sẽ chú ý nhiều đến các vấn đề về y tế và kinh tế. Do đó, chính quyền cũng như các nhà nghiên cứu thường đầu tư nhiều tâm sức vào các giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như duy trì sự vận hành ở mức cơ bản của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề của dịch bệnh không chỉ nằm ở khía cạnh sức khỏe thể chất hay kinh tế mà còn là vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Phải giữ tâm lý ổn định

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu tinh thần đi xuống sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, vô hình trung chúng ta tự làm yếu kháng thể của bản thân, tạo điều kiện để virus dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.

BS Trương Hữu Khanh phân tích, hầu hết các chuỗi lây nhiễm đều do chủ quan mà ra. “Nếu chúng ta biết ở chỗ đó có virus SARS-CoV-2, chúng ta sẽ thận trọng, bằng mọi cách bảo vệ bản thân tốt nhất có thể. Còn ở những nơi chúng ta không biết có ca mắc Covid-19, ai cũng chủ quan, lơ là quy tắc 5K thì khả năng lây nhiễm bệnh rất cao. Vì vậy, để hạn chế lây nhiễm bệnh, ngoài các yếu tố tuân thủ giãn cách, quy tắc 5K mọi lúc mọi nơi, chế độ dinh dưỡng thì tinh thần là rất quan trọng”, BS Trương Hữu Khanh khẳng định.

Còn theo TS Lê Minh Tiến, chỉ riêng việc bị “cách ly” khỏi đời sống xã hội, cắt đứt những mối quan hệ tương giao hàng ngày trong một thời gian dài đã đủ gây ra những căng thẳng về tâm lý đối với người dân. Đặc biệt là hiện tượng sang chấn tâm lý, hoặc nặng hơn là sự hoảng loạn về tâm lý đối với những người mắc Covid-19 hoặc có người thân mắc bệnh. Ngoài ra, sự căng thẳng về tâm lý không chỉ xảy ra đối với người dân mà còn nặng nề với người ở tuyến đầu chống dịch.

Hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý cho người dân đã được thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động này không mang tính chính thức, có tổ chức mà phụ thuộc vào sự quan tâm của một số chuyên gia tâm lý. Do đó, TS Lê Minh Tiến đề xuất một chương trình tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. Sự ổn định về mặt tâm lý cũng góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện.
Trong quá trình tư vấn online, hỗ trợ các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà và các nội dung liên quan đến dịch Covid-19 nói chung, BS Trương Hữu Khanh nhận định, hiện tâm lý của người dân đang là yếu tố đáng lo ngại.

Theo BS Trương Hữu Khanh, ngay cả với các trường hợp F0 cách ly tại nhà, nếu thận trọng trong tiếp xúc, xử lý kỹ các vật dụng dùng chung trong nhà thì khả năng lây nhiễm rất thấp. Vì vậy, chỉ cần bình tĩnh, đưa ra quy trình chăm sóc người bệnh, vệ sinh không gian sống thì mọi chuyện sẽ ổn hơn.

Tin cùng chuyên mục