Giữ vững bản lĩnh của tuổi trẻ: dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khởi nghiệp

Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được Chính phủ phê duyệt từ năm 2017 với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường.

Ngày 26-3, tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc), Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đơn vị tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) lần thứ IV (SV_STARTUP).

Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV, giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời là dịp tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV có tính khả thi cao; Tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn.

Giữ vững bản lĩnh của tuổi trẻ: dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khởi nghiệp ảnh 1 Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV & Tiềm năng khởi nghiệp của HSSV theo nhóm ngành”

Trong khuôn khổ SV_STARTUP lần thứ IV đã diễn ra diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV & Tiềm năng khởi nghiệp của HSSV theo nhóm ngành”.

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, HSSV là những người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng nhanh nhạy về tư duy, tiếp cận nhanh với công nghệ mới, sáng tạo không ngừng, tràn đầy năng lượng, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu. Vì vậy việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho HSSV  trong phong trào khởi nghiệp có vai trò quan trọng quyết định một phần không nhỏ trong sự phát triển của một quốc gia.

Thời gian qua, rất nhiều HSSV đã khởi nghiệp thành công, trở thành những doanh nhân trẻ, thành đạt, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác. “Tuy nhiên, số lượng người trẻ thành đạt vẫn đang là con số ít, chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng vốn có. Nếu các bạn nhận thức đúng đắn về vấn đề khởi nghiệp và theo đuổi đến cùng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tin rằng chúng ta sẽ còn có được nhiều thành công hơn nữa”, Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu. 

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết gửi tới các bạn HSSV cũng như tuổi trẻ cả nước những lời chúc tốt đẹp nhất, luôn giữ vững bản lĩnh của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu trong khởi nghiệp nói riêng và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Giữ vững bản lĩnh của tuổi trẻ: dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khởi nghiệp ảnh 2 Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết phát biểu tại diễn đàn

Diễn đàn là dịp để HSSV phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng; tăng cường kết nối mạng lưới, giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực từ xây dựng thể chế, chính sách đến huy động nguồn lực cả về tài chính và nhân lực, phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp trong việc nuôi dưỡng, định hướng, tạo môi trường cho các bạn HSSV phát huy ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp của mình.

Tại diễn đàn, các bạn HSSV đã được lắng nghe, chia sẻ từ các chuyên gia, giám đốc các doanh nghiệp về những thái độ, kinh nghiệm, bài học từ quá trình khởi nghiệp. Những chia sẻ này rất có ý nghĩa để các bạn HSSV xây dựng ý tưởng, triển khai dự án khởi nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó, HSSV cũng chia sẻ suy nghĩ về những khó khăn vướng mắc của bản thân trong quá trình triển khai ý tưởng khởi nghiệp.

Cùng với diễn đàn, điểm nhấn của SV_STARTUP lần thứ IV là cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THCS, THPT tham gia.

Giữ vững bản lĩnh của tuổi trẻ: dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khởi nghiệp ảnh 3 Một gian hàng trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của HSSV
Cuộc thi dành cho HSSV có đội tuổi từ 12-24, được phát động từ tháng 4-2021 và đã nhận được gần 400 dự án. Các dự án được đánh giá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi.
Đặc biệt, năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cấp trường hoặc cấp tỉnh để lựa chọn ra các dự án xuất sắc nhất tham dự vòng toàn quốc. Trong đó, có 2 dự án xuất sắc đến từ học sinh THCS. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu thành công, một số dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Cuộc thi mang lại cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng những kiến thức thực tế từ hội đồng giám khảo là các doanh nhân đến từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư có khả năng đầu tư.
Giữ vững bản lĩnh của tuổi trẻ: dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khởi nghiệp ảnh 4 Khu gian hàng trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của HSSV

Vòng chung kết Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV chia làm 2 chặng từ ngày 26-3 đến 27-3 tại Cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc - Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Chặng 1, chấm thi trực tiếp tại gian hàng các dự án trưng bày tại ngày hội để chọn ra 12 dự án khối sinh viên và 7 dự án học sinh khối THCS, THPT.

Chặng 2, thuyết trình dự án trước ban giám khảo vào sáng 27-3 trong Ngày hội khởi nghiệp quốc gia HSSV năm 2021, chọn 15 dự án sinh viên và 10 dự án học sinh THCS, THPT để trao giải.

Tại sự kiện cũng diễn ra hoạt động tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của HSSV thuộc các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác.

Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được Chính phủ phê duyệt từ năm 2017 với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.

Sau 4 năm thực hiện đề án, tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đa xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Đã hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước. Đã tổ chức tập huấn cho 200 cán bộ, giáo viên của các Sở GD-ĐT về phương pháp tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông.

Ngoài ra, có 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã nghiên cứu vận dụng và xây dựng các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại các nhà trường. Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV được tổ chức hàng năm. 50% các trường đại học, học viện đã có các cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường, hàng năm mỗi trường có khoảng từ 10 - 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi. 100% các Sở GD-ĐT đã có học sinh tham gia Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp. Một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại…

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường, hướng tới xây dựng các trường đại học thực sự là Trung tâm của đổi mới sáng tạo. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào các chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn bảo đảm giúp sinh viên hiểu về khởi nghiệp và đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đảm bảo các hoạt động hiệu quả. Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục huy động các nguồn lực của trường, nguồn lực xã hội hóa xây dựng các không gian chung, các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo. Tăng cường phối hợp nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ HSSV thực hành, trải nghiệm, phối hợp sản xuất thử các sản phẩm mẫu. Phối hợp với Bộ KH-ĐT nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu thành lập các Quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng để đầu tư ban đầu cho các dự án khởi nghiệp của HSSV. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Trong đó, nghiên cứu thí điểm về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp vốn vào các dự án ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên phù hợp với quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế đặt hàng, phối hợp, nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm giữa doanh nghiệp, nhà trường và giảng viên, HSSV; nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp…

Tin cùng chuyên mục