Giữ rừng để giảm nguy cơ hạn hán

Những năm gần đây, cứ đến mùa khô là người dân các tỉnh Tây Nguyên lại khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, gây thiệt hại rất lớn đến đời sống của người dân.

Mùa khô năm nay, cả ngàn hộ dân ở các huyện Đăk Pơ, Kbang, Đức Cơ… (tỉnh Gia Lai) bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, khi các công trình cấp nước tập trung và các giếng đào bị cạn kiệt. Nắng nóng kéo dài cũng làm cho hàng ngàn hecta lúa nước ở nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng, thiệt hại lên đến vài chục tỷ đồng.

Tại tỉnh Kon Tum, đã có trên 1.000ha cây trồng các loại bị thiệt hại do hạn hán,  trên 1.700 giếng nước và công trình nước sinh hoạt bị khô hạn, đã làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 2.600 hộ dân. 

Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, sử dụng lãng phí nguồn nước ngầm thì nguyên nhân chính khiến tình hình hạn hán ở Tây Nguyên ngày càng khốc liệt là do rừng bị tàn phá nhanh chóng. Ngay trong những tháng đầu năm nay, trên địa bàn các  tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng với quy mô lớn.

Cụ thể, ngày 20-4-2020, Công an huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) phát hiện trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa) có một số nhóm đối tượng đưa công cụ, phương tiện vào khu vực rừng giáp ranh với huyện Kbang để khai thác lâm sản trái phép. Kiểm tra hiện trường, công an huyện phát hiện tại tiểu khu 406, 408 lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Hà Đông, có 23 gốc cổ thụ đường kính từ 50 - 70cm bị cưa hạ trái phép.

Trước đó, trong tháng 3-2020, sau khi báo chí phản ánh, ngành chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện lâm tặc phá khoảng 50m3 gỗ tại rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sró (huyện Kông Chro). Đây là địa phương có số vụ phá rừng quy mô lớn thường xảy ra nhất ở tỉnh Gia Lai, do có diện tích rừng tự nhiên lớn, là vùng giáp ranh với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, địa hình đồi núi phức tạp. 

Thực trạng những cánh rừng cả trăm tuổi liên tục bị triệt hạ cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc tổ chức quản lý và bảo vệ, phát triển rừng. Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng, thế nhưng rừng vẫn tiếp tục mất.

Trong 5 năm trở lại đây, khu vực Tây Nguyên có tốc độ suy giảm rừng khá trầm trọng cả về diện tích và chất lượng, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, tỷ lệ rừng giàu chỉ còn 10,4%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu mét khối, tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng. Việc giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng của rừng tại Tây Nguyên đang tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu, gia tăng lũ lụt, hạn hán và nguy cơ sa mạc hóa trên địa bàn.

Do vậy, chính quyền và các ngành liên quan cần có những giải pháp phù hợp với tình hình mới để khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên bền vững; đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc bảo vệ rừng; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc làm mất rừng; thanh tra, kiểm tra, quản lý và giám sát các cơ sở chế biến gỗ; tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Đồng thời, triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng, tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý các cấp trong công tác bảo vệ rừng.

Tin cùng chuyên mục