Giữ nguyên quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Ghi nhận 26 ý kiến phát biểu tại phiên họp hôm nay của Quốc hội về dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt đã tiếp thu ý kiến về việc không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, sẽ làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả, để đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa ba chủ thể.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt tiếp thu nhiều nội dung vừa được Quốc hội cho ý kiến chiều nay, 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt tiếp thu nhiều nội dung vừa được Quốc hội cho ý kiến chiều nay, 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói: “Về việc đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, tôi rất quan tâm và xin tiếp thu ý kiến của các vị ĐB, đặc biệt là ý kiến của ĐB Lưu Bá Mạc ở Lạng Sơn, về việc có thể thay đổi đơn vị được giao quyền sở hữu khi đơn vị này không đủ năng lực khai thác thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã được bảo hộ. Chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các vị ĐBQH và sẽ nghiên cứu kỹ để làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả, để đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa ba chủ thể và đồng thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về việc này”.

Đáng lưu ý, ngoài các đối tượng trên, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cho biết sẽ đề xuất Chính phủ tiếp thu, mở rộng đối tượng giao quyền đăng ký bảo hộ cho đơn vị chủ trì đối với giống và cây trồng như nhiều ý kiến ĐBQH đề xuất.

Về việc thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu theo hướng không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tức là lựa chọn phương án 2, khác với ban đầu.

Liên quan đến sự tương thích với các điều ước quốc tế, cơ quan chủ trì sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các thông lệ và cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, có 4 nhóm nội dung khác cũng được Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cam kết nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ.

Thứ nhất, nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp, trong đó đặc biệt là vấn đề lượng hóa “nhãn hiệu nổi tiếng” đã được nhiều ĐBQH đề cập.

Thứ hai, là những vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm các nội dung: vấn đề tác giả, đồng tác giả; quyền tài sản; đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, giả định quyền tác giả, quyền liên quan; tính toàn vẹn của tác phẩm; trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp trung gian; sửa đổi, bổ sung các đều có liên quan đến Luật Giá.

Thứ ba, về vấn đề quyền đối với giống và cây trồng, như vấn đề giới hạn nông dân, chủ giống.

Thứ tư, là một số ý kiến liên quan đến văn phong, kỹ thuật lập pháp, tên dự thảo luật.

Tin cùng chuyên mục