Giữ nguồn nước sạch cùng cộng đồng

Ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang gia tăng đã đe dọa trực tiếp đến chất lượng nguồn nước ngọt cung ứng cho cộng đồng. Do vậy, để góp phần chung tay cùng cộng đồng bảo vệ nguồn nước, Công ty cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức triển khai chương trình “Mang yêu thương đến cộng đồng”. Theo đó, công ty triển khai lắp đặt miễn phí trụ nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng, trường học. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Phúc Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức TPHCM. 
Ông Lê Phúc Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức

Lắp đặt trụ nước sạch sử dụng tại vòi là giải pháp phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam còn rất hạn chế. Vậy tại sao công ty lại chọn thực hiện chương trình này?

Ông Lê Phúc Hiền: Công ty CP BOO Nước Thủ Đức ra đời năm 2004 góp phần cùng với chính quyền thành phố và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn SAWACO thực hiện sứ mệnh mang nguồn nước sạch đến với người dân. Và với việc lắp đặt lắp đặt trụ nước sạch sử dụng tại vòi thông qua chương trình “Mang yêu thương đến với cộng đồng”, công ty mong muốn lan tỏa thông điệp như câu slogan của công ty “Better service for Life".

Ở góc độ khác, thông qua chương trình, công ty cũng muốn cùng cộng đồng hiểu hơn về giá trị của nguồn nước sạch, yên tâm về chất lượng nước và trên hết là thấy rõ lợi ích về mặt môi trường của việc thay thế nước uống đóng chai và các nguồn nước khác bằng nguồn nước uống tại vòi (giảm sử dụng chai nhựa để bảo vệ môi trường). Điều đó thực sự cần thiết nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. 

Hiện chương trình “Mang yêu thương đến với cộng đồng” thông qua hoạt động lắp đặt trụ nước uống tại vòi đã được triển khai tại những khu vực nào, thưa ông? 

Hiện chúng tôi cùng đã lắp đặt trụ uống nước tại vòi tại khách sạn Rex nằm trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 và Trường chuyên Lê Hồng Phong đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5. Hệ thống trụ nước uống này sẽ nhằm phục vụ cho khách du lịch, người dân và học sinh của thành phố. Trước đó, các cơ quan chức năng của TP đã triển khai lắp đặt một số trụ nước uống tại vòi ở khu vực cảng hàng không nội địa như tại Ga quốc nội và Ga quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất, đường đi bộ Nguyễn Huệ.

Việc triển khai lắp đặt trụ nước uống tại vòi có gặp những khó khăn gì? Và công ty có những giải pháp nào để khắc phục khó khăn đó, thưa ông? 

Hiện tại, việc triển khai lắp đặt trụ nước uống tại vòi theo tôi đánh giá là thuận lợi, do được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp với chủ chương của chính quyền thành phố. Có thể nói ngoài việc tuyên truyền ý thức tiết kiệm, giữ gìn nguồn nước sạch, việc lắp đặt trụ nước uống tại vòi này còn giúp loại bỏ tâm lý quan ngại của người dân về chất lượng nước. Đây là một yếu tố tiên quyết để đảm bảo hiệu quả đầu tư và sử dụng nước uống tại vòi. 

Giữ nguồn nước sạch cùng cộng đồng ảnh 2 Nguồn nước uống tốt sẽ giúp nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho các em học sinh
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn lực kinh phí để có thể đáp ứng mục tiêu lắp đặt mạng lưới trụ nước uống tại vòi trên toàn địa bàn thành phố.
Theo tính toán của công ty, để lắp đặt được 1.500 đến 2.000 trụ nước uống tại vòi trên địa bàn thành phố từ đây đến năm 2025, cần có nguồn kinh phí tương đối lớn khoảng hơn 100 tỷ đồng. Do đó, cần sự chung tay góp sức từ công động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thì mới có thể hiện thực hóa được mục tiêu nêu trên. 

Do vậy, hiện để triển khai rộng khắp chương trình này đến với cộng đồng người dân nói chung và hệ thống trường học nói riêng, công ty sẽ chủ động làm việc với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức để nỗ lực thực hiện hiệu quả mục tiêu lắp đặt từ 1.500 đến 2.000 trụ nước uống tại vòi tại các trường học, bệnh viện và các nơi công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 -2025.

Song song đó, công ty sẽ cùng với chính quyền thành phố triển khai đề án phát triển hệ thống cấp nước TP giai đoạn 2020-2050 và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm tại TPHCM giai đoạn 2020-2030.

Được biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nguồn nước cấp sinh hoạt cho người dân TP. Vậy ông có đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nước hiện nay? Và cần có những giải pháp nào để bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp nói chung? 

Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. 

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả cộng với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. Thiên tai bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng... đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. 

Do đó chúng ta cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo của chính phủ, của chính quyền thành phố và cần có sự phối hợp liên vùng giữa các tỉnh thành có dùng chung nguồn nước cấp. Sớm ban hành Luật an ninh ngành nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước; thực hiện kiểm soát, quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước… Và quan trọng hơn cả là sự chung tay bảo vệ nguồn nước từ các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.

Tin cùng chuyên mục