Giữ nghiêm để nới lỏng

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11 của Chủ tịch UBND TP, việc thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” đã có chuyển biến rõ rệt; lưu lượng phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22-8. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bộ phận người dân ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM vào chiều 7-9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, trong thời gian từ ngày 22-8 đến 6-9, Công an TP đã phát hiện, lập biên bản xử lý 11.176 trường hợp, đề xuất xử phạt hơn 17,7 tỷ đồng. Lỗi vi phạm phổ biến nhất là 11.077 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng (chiếm 99,11%). Đáng lưu ý, qua kiểm tra mã QR ở các chốt, tính đến ngày 6-9, phát hiện 63 trường hợp F0 lưu thông trên đường. Trong đó, có 29 trường hợp thuộc diện cấp giấy đi đường, còn lại là đi khám chữa bệnh hoặc shipper không thuộc diện cấp giấy. Trong số đó, có 53 F0 là các trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà. 

Những con số kể trên cho thấy hiện vẫn có một bộ phận người dân không tuân thủ các quy định, không thực hiện nghiêm giãn cách. Thậm chí, trong thời điểm giãn cách xã hội nghiêm ngặt, vẫn có F0 đang cách ly ra đường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng rất lớn. Với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Delta, dịch bệnh không lây theo chuỗi từ người này sang người kia mà lây theo chùm ca bệnh, F0 tăng theo cấp số nhân…

Theo các chuyên gia y tế, để ứng phó với tình huống này, giãn cách xã hội là giải pháp quyết định để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, chỉ có thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình mới chặt đứt được chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 với biến thể Delta. Dưới góc độ chuyên môn, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) từng phân tích: Mục tiêu của giãn cách xã hội là cắt đứt chuỗi lây nhiễm thông qua việc hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Vì vậy, nếu người dân thực hiện nghiêm “5K”, giãn cách hiệu quả, các chuỗi lây nhiễm sớm được cắt đứt, sự lây lan của dịch giảm dần.  

Từ khi TPHCM ban hành Chỉ thị số 11 thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”, TP đã nỗ lực rất lớn để đảm bảo cuộc sống người dân. Với sự chi viện của trung ương, lực lượng vũ trang, các tỉnh, thành bạn, TP đang từng bước khống chế dịch bệnh để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Để đạt được mục tiêu đến ngày 15-9 TPHCM kiểm soát được dịch bệnh như Nghị quyết của Chính phủ đã nêu, ngoài sự nỗ lực của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, từng cá nhân, gia đình trong cộng đồng cần tăng cường tự quản. Trong gia đình phải nhắc nhở nhau, trong thôn xóm, khu phố phải giữ cho nhau, trong tòa nhà phải cùng nhau đồng lòng thì sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng lớn trong phòng chống dịch và “vùng xanh” mới nhanh chóng được mở rộng. Vì vậy, để thực hiện nghiêm giãn cách, mỗi người dân cần tiết chế nhu cầu tối thiểu của mình, để tránh ra đường không có lý do chính đáng. Riêng với các trường hợp F0, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.

Tại chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” số đặc biệt do Sở TT-TT TPHCM phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nêu rõ: “TP đang làm tất cả những biện pháp để quyết tâm đến ngày 15-9 kiểm soát được dịch bệnh, bao gồm thực hiện giãn cách, xét nghiệm khẩn trương, chăm sóc và điều trị F0, giảm tử vong, đảm bảo an sinh, tiêm vaccine. Nếu làm tốt các vấn đề trên được thì sau ngày 15-9, TP có cơ sở và lộ trình để nới lỏng. Nếu không đảm bảo an toàn và sức khỏe người dân, nếu ảnh hưởng tính mạng người dân thì nới lỏng giãn cách không ý nghĩa. Phải giãn cách theo tinh thần an toàn dịch bệnh”. Do đó, để cuộc sống được nới lỏng, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, mỗi người trong chúng ta cần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội!

Tin cùng chuyên mục