Giữ mạch liên kết, đảm bảo chuỗi cung ứng cho hàng Việt

Sáng 8-12, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các đầu cầu trên cả nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, được tổ chức như một diễn đàn tập hợp các ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế nhằm thống nhất cách hiểu, cách làm trong việc giữ vững chuỗi sản xuất - phân phối, chủ động nguồn cung hàng hóa trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng trong sản xuất và lưu thông trong thời gian tới. 

Sản xuất phục hồi, sức mua hàng Việt tăng trở lại

 Nhấn mạnh vai trò của “hàng Việt”, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, mặc dù làn sóng dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân, doanh nghiệp và chuỗi cung ứng sản xuất - phân phối hàng hóa, nhưng đây cũng là khoảng thời gian giúp chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội nghị

Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm thì thị trường trong nước vẫn giữ vai trò là bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài

“Chúng ta có thể nói là đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay tại những địa phương có dịch như TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương… và tại các địa phương khi thực hiện Chỉ thị 16 và 16+” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, trong 10 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ (do các dịch vụ về du lịch, hàng không bị đình trệ) nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng trưởng 6,2% so với tháng 10.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"
Thị trường bán lẻ trong nước đang khởi sắc trở lại trong tháng 11

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, chỉ số sản xuất hàng hóa 11 tháng vẫn tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, với tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp và các địa phương vượt khó khăn, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 12 về các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tiếp tục cùng các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, lưu thông hiện nay. 

Khẩn trương tái tuyển lao động, không để ách tắc lưu thông

Để duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128 của Chính phủ, nhất là trong những tháng cuối năm, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài. 

Ông Ngô Khải Hoàn phát biểu

Bên cạnh đó, nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành thâm dụng cao như da giày, điện tử, chế biến thực phẩm... do thời gian qua thiếu hụt, lao động chuyển dịch về quê; có chính sách linh hoạt về giờ làm thêm, kiến nghị giảm đóng phí công đoàn, trả thêm thù lao cho lao động làm việc tại chỗ, hỗ trợ giữ trẻ cho người lao động...
 
Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước khi triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ, có kiến nghị kịp thời về những bất cập phát sinh để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, ách tắc lưu thông hàng hóa như vừa qua.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất. 

Thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hàng Việt

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM đề nghị tiếp tục thực hiện cuộc vận động người dân quan tâm, ủng hộ hàng hóa trong nước, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, “cần nâng chất hàng hóa Việt đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, chúng ta cũng cần đổi mới cách làm, phải chinh phục thay vì vận động” - ông Phương nói.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương tại đầu cầu TPHCM

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thực tế hiện nay, do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng nên chúng ta vẫn đang sản xuất ra những loại hàng hóa với chất lượng không đồng đều. Do hàng kém chất lượng vẫn tiêu thụ được nên giúp người sản xuất không có “áp lực” để nâng cao trách nhiệm, sản xuất ra hàng chất lượng cao. Trong khi thực tế, năng lực của các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất ra các mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn của hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... 

“Do đó, với các thị trường như TPHCM, Hà Nội… hoàn toàn có thể đặt ra các tiêu chí và lấy quyền lực thị trường để định hướng, yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường ngày càng cao” - ông Phương đề xuất.

Tin cùng chuyên mục