Giữ lấy lá phổi xanh thành phố

Mới đây, thêm một tin vui cho người dân khi UBND TPHCM giao quận 12 lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 để nghiên cứu việc triển khai xây dựng, phân kỳ đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư dự án công viên tại phường Thạnh Xuân và phường Thới An. 
Du khách tham quan di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TPHCM
Du khách tham quan di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TPHCM

Nhờ có diện tích lớn (150ha) nên công viên này sẽ được quy hoạch đa chức năng, vừa phục vụ nhu cầu về thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng (không lưu trú), vừa kết hợp các chức năng về điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực.

Việc tăng cường diện tích công viên cây xanh (CVCX) là hết sức cần thiết, bởi đó là thước đo quan trọng của việc chăm lo an sinh cho người dân. Càng đáng mừng hơn, khi biết rằng sự phát triển CVCX lâu nay rất thấp. Theo báo cáo của Sở QH-KT TPHCM, đến cuối năm 2018 diện tích CVCX trên địa bàn thành phố đạt 491,16ha, bình quân chỉ 0,49m2/người, trong khi chỉ tiêu theo quy chuẩn QCXDVN 01:2008 tối thiểu là 9m2/người.

Diện tích mảng xanh những năm qua chủ yếu tăng thêm theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật và từ nguồn vốn “phát triển mảng xanh” ủy quyền cho Sở GTVT từ năm 2012, trung bình mỗi năm 12 - 15 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn trên, thành phố chưa có kế hoạch bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới CVCX. Mặt khác, từ năm 2012 đến nay, tiến độ đầu tư xây dựng CVCX mới đạt trung bình khoảng 9,8ha/năm, rất nhỏ so với diện tích quy hoạch (mà chưa có kế hoạch thực hiện) khoảng 11.000ha… “Với tiến độ đầu tư xây dựng CVCX trung bình 9,8ha/năm như thời gian qua, thành phố cần khoảng 1.000 năm để thực hiện xong diện tích đã quy hoạch còn lại”, đó là nhận xét của ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM.

Gần đây, dư luận lại dấy lên lo ngại khi đơn vị tư vấn trình UBND TPHCM ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị huyện Cần Giờ. Theo đó, quy hoạch lên 600.000 dân, tức là hơn 100.000 dân so với quận Bình Thạnh hiện tại, gấp gần 9 lần dân số huyện Cần Giờ hiện nay (70.000 dân). UBND TP đã nhận xét: “Có khả năng tác động nhiều mặt đến cơ cấu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề sản xuất lâm nông ngư nghiệp, dân cư nông thôn, môi trường sinh thái, biển…”.

Sự lo lắng này có cơ sở, bởi vì Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là “khu dự trữ sinh quyển thế giới”, là “lá phổi xanh” đặc biệt của TPHCM. Sắp tới, nếu điều chỉnh quy hoạch, quy mô dân số gấp gần 9 lần sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, liệu lá phổi xanh sẽ được bảo vệ hay là bị gặm lần gặm mòn, giống như sông rạch trong nội thành đã bị xâm lấn, có nhiều nơi chỉ còn trên bản đồ mà thôi? Nhìn xa hơn, với diễn biến của biến đổi khí hậu đang được cảnh báo, sự hạn chế phát triển đô thị mở rộng về phía biển là một giải pháp phải lưu tâm đặc biệt. Bởi vì, hiện tại mức thủy triều lên năm sau lại cao hơn năm trước, gây ngập diện rộng, cộng với nước biển dâng, là thách thức nghiêm trọng cho TPHCM những năm tới. 

Để phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nên chăng chúng ta cần kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực để đẩy nhanh việc xây dựng CVCX trong nội đô cũng như ngoại thành. Đối với lá phổi xanh Cần Giờ, cần có một ứng xử đúng đắn, là của để dành cho muôn đời sau. Nên nhớ, để hình thành nên cánh rừng nguyên sinh hay khu dự trữ sinh quyển thì phải mất rất nhiều thế hệ, nhiều trăm năm! 

Tin cùng chuyên mục