Giữ gìn không gian văn hóa công cộng ở các phố đi bộ

TPHCM đã và đang hình thành nhiều phố đi bộ ở trung tâm nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân, du khách, thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến phố đi bộ vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như thiếu bãi giữ xe, thiếu nhà vệ sinh công cộng và tình trạng hét giá, chặt chém khách hàng.
Phố đi bộ Bùi Viện cần bố trí bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng hợp lý. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Phố đi bộ Bùi Viện cần bố trí bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng hợp lý. Ảnh: ĐỨC TRUNG

“Chặt chém” giá giữ xe

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), theo ghi nhận hiện chỉ có 4 - 5 bãi giữ xe nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, nhất là những ngày cuối tuần. Nhiều người buộc phải gửi xe ở trung tâm thương mại, nhà hàng hoặc các nhà dân cách xa khu vực phố đi bộ. Chị Võ Thị Kiều (29 tuổi, ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết: “Ngày cuối tuần, người dân đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ để vui chơi rất đông. Có hôm tôi phải gửi xe ở một nhà người dân cách đó gần 1km, sau đó bắt xe ôm đi tới”. 

Khu vực phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) cũng tập trung đông du khách nước ngoài (lúc chưa bùng phát dịch Covid-19) và cả du khách trong nước đến tham quan, vui chơi, nhất là vào buổi tối. Tuy nhiên, nhiều bãi giữ xe tự phát mặc sức chèo kéo, thu tiền cao hơn gấp nhiều lần so với quy định. Tối 29-12, chúng tôi đến phố đi bộ Bùi Viện, ghé vào hẻm số 35 để gửi xe máy và bị hét giá 30.000 đồng/xe. Lấy lý do giá cao, chúng tôi tiếp tục ghé vào một điểm giữ xe khác ở địa chỉ số 1A đường Bùi Viện, cũng được báo giá 30.000 đồng/xe. Chúng tôi chê mắc thì người phụ nữ trông xe gằn giọng: “Ở đây còn rẻ chứ mấy chỗ khác là 50.000 đồng/xe”. Anh Nguyễn Ngọc Phong (25 tuổi, ngụ đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh) bức xúc: “Vừa rồi tôi và nhóm bạn có đến vui chơi tại phố đi bộ Bùi Viện và gửi xe trong một con hẻm đường Phạm Ngũ Lão, bị thu 30.000 đồng/xe. Tôi thắc mắc thì một nhân viên cho biết đó là giá chung ở đây. 

Ngoài những “hạt sạn” nêu trên, tại nhiều tuyến phố đi bộ chưa có hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Chưa kể, một số quán ăn uống có tình trạng hét giá cao; các hoạt động giải trí, ca múa nhạc bật quá lớn; thùng rác công cộng không đủ sức chứa rác thải…

Xử lý mạnh tay để giữ văn minh đô thị

Tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động từ tháng 4-2015, mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội đường phố, diễu hành, đường hoa tết hàng năm. Trong khi đó, phố đi bộ Bùi Viện hoạt động từ tháng 8-2017, cuối tuần đón hơn 1.000 khách tham quan, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Mới nhất, vào tối 29-12, UBND quận 10 đã tổ chức lễ ra mắt phố đi bộ đêm khu vực Kỳ đài Quang Trung (phường 6, quận 10). Vào ngày thứ bảy và một số ngày trong tuần, ở đây có chương trình ca nhạc phục vụ khách… 

Nhằm góp phần phát triển ngành du lịch, sắp tới, TPHCM sẽ triển khai tiếp Đề án “Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM” do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM) làm chủ đầu tư, nghiên cứu thực hiện tại quận 1, bao gồm các đoạn trên các tuyến đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Tôn Đức Thắng, vòng xoay Quách Thị Trang, khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà...

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội Luật gia TPHCM, đưa vào hoạt động các tuyến phố đi bộ cho người dân, du khách vui chơi giải trí là cần thiết, nhưng phải có biện pháp xử lý để giữ văn minh đô thị, đồng thời đảm bảo những di sản văn hóa theo Luật Di sản văn hóa. TPHCM cần ban hành một quy chế quản lý phố đi bộ và cốt yếu, trên phố đi bộ thì chỉ dành cho người đi bộ. Còn theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM, việc thành lập thêm các tuyến phố đi bộ và cấm các loại xe lưu thông trong khu vực trung tâm không chỉ ảnh hưởng đến trường học, người dân và cả các bệnh viện nơi đây. Khi cấm xe cơ giới thì người ta phải có chỗ gửi xe, từ đó mới vào các phố đi bộ. Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cũng nhấn mạnh cần phải sắp xếp, bố trí trật tự chỗ giữ xe, hàng quán tại các phố đi bộ, chứ hiện nay khá lộn xộn. 

Theo một số chuyên gia đô thị, các phố đi bộ hình thành sẽ mang lại một diện mạo mới cho khu vực trung tâm và cả TPHCM. Việc ra đời “siêu phố đi bộ” ở khu vực các tuyến đường Lê Lợi - Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng - vòng xoay Quách Thị Trang - quanh Nhà thờ Đức Bà là phù hợp, do tập trung nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp. Tuy nhiên,  việc tổ chức giao thông, quy hoạch bãi gửi xe, cho phép xe ra vào theo khung giờ, bố trí các nhà vệ sinh phục vụ du khách… phải cần nghiên cứu kỹ.

Tháng 10-2018, UBND TPHCM đã ban hành giá dịch vụ giữ xe cụ thể trên từng địa bàn. Tùy theo các loại xe, vị trí gửi mà mức giá khác nhau. Cụ thể, tại các quận 1, 3, 5, mức giá trông giữ xe máy tại trường học, bệnh viện, bến xe, chợ, siêu thị, các địa điểm vui chơi và sinh hoạt cộng đồng là 4.000 đồng/xe/lượt ngày, 6.000 đồng/xe/lượt đêm và 210.000 đồng/xe/tháng.

Tin cùng chuyên mục