Giữ gìn di sản công nghiệp

Các nhà máy, xí nghiệp của Pháp từng mang lại sự thịnh vượng trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến những năm 1970, khi công nghệ và kỹ thuật hiện đại đặt những nền móng đầu tiên, cùng với sự khởi đầu nền kinh tế toàn cầu hóa, hàng loạt nhà máy đóng cửa, nhiều công xưởng, xí nghiệp nếu không bị phá hủy thì cũng bị bỏ hoang, trở nên điêu tàn.

Vùng Lille có 2 thành phố Tourcoing và Roubaix từng nổi danh với công nghiệp dệt kim và may mặc. Sau giai đoạn thoái trào của các ngành công nghiệp, các thành phố chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ thông tin và văn phòng, song dấu vết của giai đoạn đô thị công nghiệp vẫn còn ở khắp nơi, với các khu đất rộng lớn từng là các nhà máy bị bỏ hoang, nhiều tòa nhà xí nghiệp cũ xuống cấp. Trải qua nhiều thập niên, chính quyền và người dân thậm chí muốn xóa sạch dấu vết của giai đoạn công nghiệp này. 

Hay như Nantes, thành phố cảng ở miền Tây nước Pháp, khá thịnh vượng từ thời kỳ giao thương hàng hải với các vùng thuộc địa thế kỷ 17-18 đến thời kỳ công nghiệp đóng tàu thế kỷ 19-20. Khủng hoảng hậu công nghiệp những năm 1980 đẩy thủ phủ vùng Loire Atlantique trở nên điêu tàn.

Cựu Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, lúc bấy giờ là thị trưởng mới nhậm chức của thành phố, nói việc đóng cửa những công trường (đóng tàu) là một vết thương lớn của Nantes, nhưng đây cũng chính là nơi định đoạt vận mệnh của thành phố. Chiến lược chuyển đổi trọng tâm kinh tế từ công nghiệp đóng tàu suy yếu sang kinh tế sáng tạo, du lịch văn hóa đã được cụ thể hóa tại địa điểm gọi là đảo Nantes, là khu đất rộng hơn 300ha tại cảng đóng tàu và nhà xưởng bị bỏ hoang.

Giữ gìn di sản công nghiệp ảnh 1 Di sản hầm mỏ ở Nord-Pas-de-Calais

Vào những năm 1960, nhận thức về vai trò lịch sử của các công trình công nghiệp được nhắc tới lần đầu tiên ở Anh - cái nôi của cách mạng công nghiệp châu Âu. Sau đó, khái niệm di sản công nghiệp ra đời, nhưng phải 1 thập niên sau đó, khái niệm này mới được Pháp chú trọng.

Dưới tác động của các sử gia và kiến trúc sư, chính quyền các địa phương tại pháp đã nhanh chóng có những động thái cụ thể để ghi nhận, gìn giữ. Việc sớm được xếp hạng công trình lịch sử, nhiều tòa nhà đã tránh khỏi bị san phẳng khi các dự án mới mọc lên.

Đến những năm 1980, Bộ Văn hóa Pháp liên tục có những chính sách đẩy mạnh và khẳng định tầm quan trọng về mặt giá trị của loại hình di sản này. Ban thống kê chung về các công trình lịch sử và kho tàng nghệ thuật của Pháp lập riêng một bộ phận chuyên về di sản công nghiệp.

Cơ quan này thống kê, tổng kết vai trò của mỗi ngành nghề trong nền công nghiệp chung và đánh giá giá trị các địa điểm cụ thể. Bên cạnh đó, một số công cuộc “giải cứu” khẩn cấp các công trình có giá trị tiêu biểu cho những ngành công nghiệp đánh dấu lịch sử Pháp cũng được tiến hành.

Chẳng hạn như một số địa điểm ngoại vi Paris, chứng tích của ngành công nghiệp chế tạo ô tô Pháp; hay hầm mỏ còn lại của khu công nghiệp khai thác than đá ở vùng Lorrain và Nord-Pas-de-Calais, nơi được UNESCO xếp hạng di sản thế giới vào năm 2012.

Trên cả nước Pháp, hiện có rất nhiều công trình văn hóa như thế. Một mặt, chúng hấp dẫn khách tham quan bởi sự hồi sinh ngoạn mục. Nhưng mặt khác, với những cư dân, không gì ý nghĩa hơn là những tầng lớp lịch sử và ký ức được lưu giữ trong một công trình văn hóa và tiếp nối qua nhiều thế hệ.

Trên tầm nhìn tổng quan, bộ mặt của thành phố được nâng tầm nhờ bệ đỡ của thành tựu quá khứ, tiếp tục làm giàu thêm những bản sắc văn hóa. Quan trọng hơn cả, các chính sách bảo vệ và tái sử dụng di sản chỉ có ý nghĩa và thành công khi người dân được thụ hưởng, thấy gắn bó và tự hào.

Tin cùng chuyên mục