Giữ giá ổn định mùa mua sắm cuối năm

Thời điểm cuối năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là nhóm thực phẩm tươi sống, bánh kẹo sẽ có biến động về giá do nhu cầu tăng. Chính vì thế, với vai trò điều tiết thị trường, các kênh phân phối, bán lẻ tại TPHCM đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết với số lượng tăng 2-3 lần so với tháng thường để ổn định giá cả.
Các nhà bán lẻ hiện đại đều tăng lượng hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới
Các nhà bán lẻ hiện đại đều tăng lượng hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới

Lượng hàng cam kết tăng nhiều

Theo Sở Công thương TPHCM, để chuẩn bị cho thị trường mùa Tết Canh Tý sắp tới, các kênh phân phối truyền thống và hiện đại của thành phố đã có kế hoạch tăng ít nhất gấp đôi lượng hàng dự trữ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Việc dự trữ hàng này nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, tránh tình trạng khan hàng sốt giá, ảnh hưởng tới mua sắm, sinh hoạt của người dân trên địa bàn. 

Trong báo cáo về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho mùa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 được Sở Công thương công bố mới đây cho biết, dự kiến lượng hàng về 3 chợ đầu mối của thành phố (gồm chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ đầu mối Bình Điền) vào khoảng 15.000-16.000 tấn/ngày, tăng khoảng 80% so với ngày thường. Các chợ đầu mối này đều kinh doanh hàng chục năm nay với số lượng tiểu thương buôn bán đông đảo.

Trong đó, chợ đầu mối Hóc Môn hoạt động từ năm 2005, kinh doanh trên 120 mặt hàng tươi sống từ thịt heo, rau củ quả… Lượng hàng hóa nhập chợ bình quân 2.700 tấn/ngày đêm, với tổng giá trị ước đạt 50 tỷ đồng và 95% hàng hóa nhập chợ có nguồn gốc trong nước. Còn chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã hoạt động 16 năm, hàng đêm có trên 3.500 tấn nông sản được tập kết về đây mua bán. Riêng chợ đầu mối Bình Điền là nơi cung cấp hàng thực phẩm tươi sống với lượng hàng về chợ khoảng 2.600 tấn/ngày đêm, đa phần là thủy hải sản, rau quả tươi. Việc các chợ này cam kết tăng khoảng 80% lượng hàng cung ứng so với ngày thường trong dịp tết sẽ giúp thị trường được điều tiết tốt hơn.

Để đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường tết, Sở Công thương TPHCM cho biết, đơn vị đang tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài các chợ đầu mối thì hệ thống 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.657 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết với số lượng tăng 2-3 lần so với tháng thường. Trong đó, các đơn vị chủ lực như Saigon Co.op, Satra, BigC… đều đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng tết với nhà cung cấp. Chẳng hạn Saigon Co.op, chỉ tính riêng mặt hàng thịt heo phục vụ thị trường, nhà bán lẻ này đã cam kết sẽ đảm bảo cung ứng khoảng 1.510 tấn/tháng. Các sản phẩm thiết yếu khác như rau củ, bánh kẹo cũng được làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo mức giá ổn định, chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. 

Mở rộng kênh phân phối, ưu tiên hàng Việt

Theo Sở Công thương, việc chuẩn bị hàng hóa chất lượng tốt trong dịp tết có sự vào cuộc của các ngành, các cấp trên địa bàn và huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là lồng ghép thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đơn cử như nhà bán lẻ Saigon Co.op với các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Cheers, Sense City đã luôn thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho hàng Việt khi 95% lượng hàng bán trong hệ thống Saigon Co.op là xuất xứ trong nước. Đáng chú ý, từ đầu năm 2019 tới nay, Saigon Co.op rất tích cực trong việc mở rộng hệ thống kênh phân phối qua việc đưa vào hoạt động nhiều siêu thị mới ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Gần đây nhất, giữa tháng 11-2019 Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart Tô Ký tại 557 đường Tô Ký (phường Trung Mỹ Tây, quận 12). 

Đại diện của Saigon Co.op cho biết, đây là siêu thị thứ 4 tại quận 12. Siêu thị này được thiết kế hiện đại với tổng vốn đầu tư thiết bị và hàng hóa 45 tỷ đồng, tổng diện tích sàn hơn 2.000m2, kinh doanh hơn 20.000 mặt hàng nhu yếu phẩm, gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang và đồ gia dụng. Việc đưa Co.opmart Tô Ký vào hoạt động hứa hẹn sẽ là điểm mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu với giá cả hợp lý, xuất xứ rõ ràng để phục vụ bữa ăn và sinh hoạt hàng ngày thuận lợi cho người dân quận 12 và khu vực lân cận. Với cơ cấu hàng Việt hơn 90%, Co.opmart Tô Ký sẽ tạo thêm thuận lợi trong việc quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng, thiết thực hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trước đó, vào đầu tháng 11-2019, Saigon Co.op cũng thay diện mạo mới cho 2 siêu thị được chuyển nhượng từ Auchan. Siêu thị mới này có tên gọi Co.opmart SCA Âu Cơ (ở địa chỉ 856 Âu Cơ, phường 13, quận Tân Bình) và Co.opmart SCA Cao Thắng (ở 181 Cao Thắng, phường 12, quận 10). Tọa lạc tại khu dân cư đông đúc, sầm uất, các Co.opmart SCA hứa hẹn sẽ là điểm mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu với giá cả hợp lý, xuất xứ rõ ràng để phục vụ bữa ăn và sinh hoạt hàng ngày thuận lợi cho người dân tại đây. Tương tự, một nhà bán lẻ nội địa khác là Satra Foods (thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn) cũng rất tích cực trong việc phát triển hệ thống, ưu tiên cho hàng Việt. Các thống kê từ đơn vị này cho thấy, tại TPHCM, Satra Foods hiện có khoảng 120 cửa hàng, phủ khắp các quận, huyện trên địa bàn. Hệ thống này có lượng hàng Việt trưng bày trên 90% và cũng luôn thực hiện khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng. 

Có thể thấy rằng, việc các kênh phân phối, chợ truyền thống tăng lượng hàng dự trữ, cam kết ưu tiên cho hàng Việt được đánh giá sẽ góp phần điều tiết giá thị trường, tạo nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng trong mùa Tết Nguyên đán 2020.

Tin cùng chuyên mục