Giữ cho mình bản sắc

“Phải áo dài chứ mày, hai vợ chồng tao may áo dài hết rồi”, câu trả lời của cô bạn khiến tôi cảm thấy phấn khởi trong lòng, dù đám cưới không phải của mình. Không ít lần tôi chứng kiến đám cưới của người thân, bạn bè mà chiếc áo dài truyền thống không hề có mặt, thay vào đó là những kiểu áo lai căng nước ngoài mà nhiều người cho là đang “mốt”. Dự một đám cưới quê nhà mà cảm giác ngỡ ngàng, xa lạ…

1. Thời buổi bây giờ, qua điện thoại, máy tính, người ta gần như có thể kết nối cả thế giới; việc tiếp xúc, tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau cũng dễ dàng. Nhưng trong sự dễ dàng, thuận lợi đó, văn hóa truyền thống, bản sắc riêng của dân tộc đôi lúc bị thờ ơ bởi một bộ phận người trẻ. Có một thực tế, một số người trẻ nhanh nhạy với công nghệ, ứng biến tốt với những thay đổi của cuộc sống nhưng lại dễ quên những giá trị truyền thống cốt lõi, lâu đời.

Còn nhớ, trong không gian tái hiện nét đẹp những ngày tết xưa ở Nhà văn hóa Thanh niên vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, với ông đồ cho chữ, câu đối đỏ, tranh thư pháp mừng năm mới…, tôi lại ngỡ ngàng khi bắt gặp bạn trẻ trong bộ cổ phục Trung Quốc đỏ rực đang tạo dáng chụp ảnh bên bàn viết thư pháp. Hỏi chuyện, cô bạn chia sẻ 25 tuổi, tên T. và đang chụp ảnh. Tôi hỏi sao không mặc áo dài truyền thống, T khoát tay: “Ai ra đây cũng áo dài truyền thống, mình cũng mặc áo dài nữa thì chìm nghỉm”. 

Tìm khu vực cho thuê áo dài chụp ảnh ở Nhà văn hóa Thanh niên, hỏi chuyện, chị chủ quầy kể: “Hai năm nay rồi, chỗ chị toàn cho thuê áo dài truyền thống không hà em ơi, áo cách tân hết thịnh rồi”. Tôi nghe mà mừng rỡ, áo truyền thống vẫn là một giá trị không thể thay thế được, trường hợp như cô bạn T. kia có lẽ chỉ là vài thanh niên muốn “chơi trội”.

2. Trở lại câu chuyện đám cưới của cô bạn tôi, bạn chia sẻ, may áo dài cho cả hai vợ chồng mặc trong ngày làm lễ, mọi nghi lễ đều theo truyền thống xưa của ông bà. Ngay cả hình cưới cũng chọn áo dài và lối chụp truyền thống. Không ít lần tôi giúp bạn bè làm hình cưới, đa số yêu cầu phải có vài dòng chữ yêu thương nhưng viết bằng tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Anh chèn lên bức ảnh… như thế mới là “mốt”. Ngay cả áo dài, một trang phục buộc phải có trong những ngày trọng đại cũng dẹp sang một bên; cổ phục Trung Hoa, áo Kimono, Hanbok… lại được chuộng chỉ vì muốn khác biệt, không đụng hàng với ai.

Giữ cho mình bản sắc ảnh 1 Áo dài truyền thống được nhiều bạn trẻ yêu mến và lựa chọn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ghé lại đường Pasteur (quận 1, TPHCM) nơi được nhiều người mệnh danh là “Phố áo dài”, tuy không còn nhiều như trước nhưng các tiệm vẫn duy trì dáng áo truyền thống. Chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Vinh (52 tuổi, chủ nhà may Thiết Lập): “Tôi nghĩ, dù thay đổi thế nào thì áo dài truyền thống vẫn nguyên vẹn giá trị và không thể thay thế được. Lễ cưới hỏi trang trọng, hay sự kiện lớn thì phải diện áo dài truyền thống chứ, đủ lịch sự và duyên dáng cho người mặc; áo cách tân chỉ là trào lưu thôi. Nhưng nói đi thì phải nói lại, muốn giữ áo dài truyền thống hay những giá trị truyền thống khác thì phải có thế hệ kế thừa và phát huy để mọi thứ không bị mai một theo năm tháng”.

Trăn trở của anh Vinh, cũng như tôi và bao người khác, giới trẻ phải là những người biết trân trọng, gìn giữ các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, trước khi nói đến chuyện sáng tạo, đổi mới những giá trị ngàn đời.

3. Không ít bạn trẻ hiện nay cũng đang ra sức phát huy những giá trị truyền thống để hài hòa mọi thứ vào cuộc sống hiện đại. Nhà thiết kế Nguyễn Quốc Thịnh (28 tuổi) chia sẻ: “Trước giờ, tôi chỉ may áo dài truyền thống từ khăn rằn, vì nghĩ khăn rằn là một nét đẹp cổ truyền; truyền thống kết hợp với hiện đại tạo nên sự mới lạ cho áo dài, nhưng vẫn sang trọng và thanh lịch chứ không phản cảm”.

Trong những dòng email chia sẻ về tình hình của du học sinh không về nước trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Lê Minh Hà (20 tuổi, du học sinh Việt Nam ở TP Chicago, bang Illinois, Mỹ) chia sẻ: “Trong mail này, em viết sai chính tả từ tiếng Việt nào chị thông cảm giúp em nha, vì từ nhỏ đến giờ em học toàn bộ là giáo trình tiếng Anh, nên dùng tiếng Anh nhiều hơn. Không phải vì vậy mà em quên đi tiếng mẹ đẻ hay quê hương mình đâu. Ở bên này, mỗi ngày em vẫn đọc tin tức tiếng Việt, gọi điện cho ba mẹ, bạn bè để trò chuyện, để không quên tiếng nói của quê hương, xứ sở. Em không thích cách nói nửa tây nửa ta, nên dù có sử dụng tiếng Anh thành thạo, em vẫn rèn luyện mỗi ngày tiếng Việt thật tốt”.

Khi hội nhập, chúng ta tiếp cận với thế giới nhiều hơn nhưng phải biết giữ lấy cho mình một bản sắc, văn hóa riêng, nhất là những giá trị truyền thống tốt đẹp để không bị “hòa tan”. Và, thế hệ gìn giữ điều này, không ai khác, chính là những người trẻ.

Tin cùng chuyên mục