Giữ cho bếp ấm

Công việc ít đi, thu nhập giảm khiến nhiều gia đình ở TPHCM cũng gặp không ít khó khăn, chật vật xoay xở trong mùa dịch. Cũng từ đó, trăm phương ngàn cách được nghĩ ra để luôn giữ được căn bếp ấm.
Đi chợ tiết kiệm là bài toán với nhiều chị em nội trợ trong mùa dịch. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đi chợ tiết kiệm là bài toán với nhiều chị em nội trợ trong mùa dịch. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khó chồng khó vợ

“Nhà tôi 5 miệng ăn, gồm vợ chồng và 3 đứa con suốt cả tháng nay chỉ ở nhà nhìn nhau. Không có công việc, trong khi mọi chi tiêu, sinh hoạt trong nhà vẫn phải duy trì như thường lệ”, anh Lê Huy (ngụ quận 12) chia sẻ. Công việc trước đây của anh là đi bán bánh dạo, trong khi vợ anh - chị Đào, vừa làm nghề mua bán ve chai, vừa đóng dép thuê tại nhà.

Theo anh Huy, sau thời gian hết giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (ở quận 12, vào cuối tháng 6-2021), anh có đi bán hàng lại được khoảng 1 tuần, rồi lại ngưng hẳn cho đến nay. Các đơn hàng làm tại nhà của vợ cũng dừng hoàn toàn.

Chị Đào cho biết, trước khi dịch bệnh bùng phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn khá bình ổn, gia đình không quá lo lắng về cái ăn, vì nếu khéo mua bán vẫn có những bữa cơm no, đủ chất cho cả nhà. “Nhưng, giờ rau xanh, nhiều loại thịt cá, gas đều tăng giá. Chưa kể, cả nhà đều ở nhà nên mức tiêu thụ điện cũng tăng lên. Không làm ra tiền, buộc chúng tôi phải lấy tiền tích lũy ra tiêu xài”, chị Đào cho hay.

Vẫn liên tiếp nhận được các công trình về điện dân dụng, nhưng từ khi dịch bùng phát trở lại, anh Văn Thành (ngụ huyện Hóc Môn) rơi vào tình thế tréo ngoe bởi không thể thi công.

“Đa phần các công trình đều nằm trong khu vực đang bị phong tỏa, hay hạn chế tụ tập đông người, nên tôi không thể đi làm. Sinh hoạt ngày thường vẫn phải cơm ba bữa, chi phí điện, nước…, nhưng thu nhập hầu như không có. Chưa kể, cậu con trai đầu sắp bước vào lớp 1 phải đầu tư cho học bồi dưỡng trực tuyến, chuẩn bị các thủ tục nhập trường, cũng thêm phần tốn kém”, anh Văn Thành tâm sự.

Nếu những lao động phổ thông, tay chân gặp muôn vàn khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì nhiều người làm văn phòng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, dù mức độ có thể nhẹ hơn. Vừa được công ty trả lương đầy đủ không bao lâu, khi dịch bệnh ập đến, chị Hương Phạm (ngụ TP Thủ Đức) lại bị cắt giảm 35%.

“Mỗi tuần, tôi chỉ lên công ty làm 2 buổi, gọi là duy trì công việc thường nhật. Làm trong lĩnh vực truyền thông, hầu hết bị đình trệ, không có dự án mới nên ngoài lương cứng, không có thêm đồng ra đồng vào từ các dự án. Biết là mình còn có công việc, thu nhập là may mắn hơn nhiều người, nhưng tình trạng này kéo dài sẽ không biết xoay xở như thế nào”.

Khéo co thì ấm

 Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, đặc biệt tại TPHCM, khiến khó khăn thêm chồng chất. Trong tình hình chung đó, hầu hết các gia đình đều ý thức cố gắng chấp hành các chỉ thị về phòng dịch nhằm hạn chế lây lan. Tuy nhiên, để duy trì được cuộc sống trong thời dịch là cả một bài toán nan giải.

Theo anh Văn Thành, để lên kế hoạch chi tiêu khoa học, cả hai vợ chồng đã cùng ngồi xuống và bàn bạc kỹ lưỡng. Dịch bệnh khiến gia đình anh bớt được phần nào khoản chi phí như: ăn uống, cà phê bên ngoài, du lịch, giải trí, mua sắm... Riêng chị Hoa, vợ anh càng cho thấy khả năng quán xuyến, chi tiêu thông minh, đặc biệt trong việc nội trợ.

“Có những chi phí không thể giảm quá nhiều như tiền chợ, điện nước, tiền học của con…, nhưng vẫn có cách để cân bằng. Đơn cử như việc đi chợ, hiện có rất nhiều hội nhóm bán hàng online, mình chịu khó theo dõi vẫn mua được thực phẩm ngon, giá hợp lý. Thậm chí, không ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi thường xuyên có chương trình bán hàng bình ổn, giảm giá vào các khung giờ nhất định. Phương châm của gia đình tôi là mua thực phẩm theo tuần, chia sẵn các khẩu phần ăn và mua những loại không đắt tiền mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng”, chị Hoa chia sẻ.

Còn chị Đào tâm sự: “Thời gian gần đây có khá nhiều chiến dịch “giải cứu” nông sản: rau củ, trái cây… nên mình cũng mua được giá rẻ, đỡ bớt chi phí”.

Dịch bệnh kéo dài kéo theo sự thay đổi chi tiêu, thói quen của đại đa số hộ gia đình. Không còn cảnh cơm đường, cháo chợ, không khó bắt gặp hình ảnh những người làm công sở, nếu vẫn phải đi làm trong mùa dịch đều mang theo cơm hộp. Hết giờ làm cũng không còn cảnh lê la các quán nhậu, ngồi cà phê tán gẫu của các anh, hay tạt vào cửa hàng thời trang mua sắm của các chị. Thậm chí, việc thường xuyên mua sắm trực tuyến trước đây giúp chị Hương Phạm rút ra không ít bài học kinh nghiệm.

Chị cho biết: “Dịch bệnh khiến tôi gần như cai được khoản mua sắm online, không còn tình trạng thích gì là chốt đơn như trước kia, bởi có khi đồ mua về không đụng đến. Hiện tại, để mua một món đồ mới, phải cân nhắc, tìm hiểu, so sánh giá ở nhiều nơi để chọn giá tốt, ưu tiên miễn phí giao hàng. Riêng với cánh chị em phụ nữ là tiết kiệm được kha khá”.

Khái niệm sống chung với dịch có lẽ không ở đâu xa mà đang thay đổi từ mỗi nếp nhà. Trong cái khó ló cái khôn, bởi chỉ có chi tiêu thông minh, tiết kiệm mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục duy trì cuộc sống thường nhật.

Anh Lê Huy cho biết, điều khiến anh rất vui là trong khó khăn chung đã được chủ nhà trọ giảm một phần tiền phòng (500.000 đồng/tháng). Anh Lê Huy nói: “Số tiền có thể không nhiều, nhưng với những lao động tay chân như chúng tôi là rất đáng quý. Điều quan trọng hơn là thấy mình được chia sẻ”.

Tin cùng chuyên mục