Giữ bản sắc Việt nơi đất khách

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đa số người chọn việc nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng bác Nguyễn Thị Xuân Oanh ở Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan, có niềm vui lớn hơn là được gieo con chữ Việt trên đất khách.
Các cháu bé ở Udon Thani đồng ca bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
Các cháu bé ở Udon Thani đồng ca bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đa số người chọn việc nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng bác Nguyễn Thị Xuân Oanh ở Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan, có niềm vui lớn hơn là được gieo con chữ Việt trên đất khách.

Bác Oanh cùng 13 thầy, cô giáo khác đã tổ chức được 14 lớp dạy tiếng Việt ở Udon Thani. Xuất phát từ việc nhiều phụ huynh lo lắng con cái không biết tiếng Việt sẽ mất bản sắc, quên nguồn cội; đồng thời thực hiện theo chủ trương của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban), kêu gọi Việt kiều giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt cho các thế hệ sau, bác Oanh và các thầy, cô quyết tâm mở các lớp dạy tiếng Việt miễn phí.

Bác Oanh cho biết, toàn Thái Lan hiện có 30 lớp dạy tiếng Việt với 338 người theo học. Học viên đến lớp đủ mọi lứa tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi và người lớn nhất là 60 tuổi; đa số là con em Việt kiều, nhưng cũng có cả học viên người Thái, người Hoa. Mỗi buổi học từ 1,5 - 2 giờ vào chiều hoặc tối 2 ngày cuối tuần - khoảng thời gian các học viên thường rảnh rỗi, có điều kiện để theo học.

Lớp học mở ra nhanh chóng được kiều bào hưởng ứng. Các hiệp hội doanh nghiệp và Tổng hội Việt kiều Thái Lan cũng giúp đỡ từ trường học cho đến bàn ghế, vật dụng giảng dạy; còn ủy ban cung cấp sách giáo khoa Việt Nam. 

Bác Oanh chia sẻ, có được sự ủng hộ của bà con, các cá nhân, tổ chức là điều thuận lợi không nhỏ cho các lớp học tiếng Việt, nhưng cũng vẫn còn đó những khó khăn. Các cháu nhỏ đến học đa số không biết tiếng Việt, nhưng lại có ít thời gian để học tiếng mẹ đẻ khi phải dành phần lớn thời giờ theo học trường của Thái Lan. Trong khi đó, sách giáo khoa dành cho người Việt Nam ở nước ngoài không có. Các thầy, cô phải dựa vào sách giáo khoa trong nước rồi tự biên soạn lại cho phù hợp với học viên. Nhiều thầy, cô chưa qua đào tạo sư phạm nên các giáo án tự biên soạn chưa chuẩn. Ngoài ra, với những người đã lớn tuổi như bác Oanh, đi từ nhà đến trường vào buổi tối cũng gặp nhiều nguy hiểm...

Khó khăn là thế nhưng được sự thông cảm, động viên của gia đình, bác Oanh cùng các thầy, cô ở Udon Thani vẫn miệt mài với cái nghiệp gieo chữ. Và rồi tâm huyết của các thầy, các cô được đền đáp. Cách đây 4 năm, một học sinh người Việt thi vào trường đại học đầu tiên của Thái Lan có chuyên khoa tiếng Việt. Khi thi vấn đáp, một giáo sư Thái Lan hỏi và sau khi nghe phần trả lời, đã phải thốt lên: “Thôi, mời thầy Việt Nam đến phỏng vấn. Trò phát âm và nói giỏi hơn thầy rồi”. Hay chuyện trong buổi chào cờ ở một trường tiểu học của Thái Lan, sau khi chào cờ xong, cô giáo hỏi: “Có em nào biết nói tiếng của một nước trong khối ASEAN không?”. Câu hỏi vừa dứt, có một học sinh khoảng 9 tuổi giơ tay xin phép và đứng dưới cột cờ dõng dạc nói: “Tôi là người Việt Nam, tôi yêu Việt Nam”. Cậu bé khiến cả trường ngạc nhiên và khen ngợi. 

Chính những thành quả đó khiến những người thầy, người cô như bác Oanh càng tận hiến, quyết tâm dạy tiếng Việt để giữ bản sắc Việt nơi đất khách.

Tin cùng chuyên mục