Giữ bản sắc và người dân khi chỉnh trang hẻm phố

Từ năm 2016, có một dự án nghiên cứu những con hẻm tại phường 14 và 15, quận 4 - khu vực có dân số đông đúc, do ông Andrew Stiff, giảng dạy tại Đại học RMIT Việt Nam, thực hiện. 

Đây không phải là dự án nghiên cứu văn hóa, tập tục mà là dự án nghiên cứu các loại hình đô thị; từ đó phản ánh sự chiếm hữu quyết định chất lượng không gian bên cạnh văn hóa ở các con hẻm. Hiện nay, dự án được tài trợ lần 2 và cũng đã hình thành cơ sở của một luận án tiến sĩ, đề cương được đánh giá lại và tiếp tục nghiên cứu. Dự án đã từng triển lãm ở Melbourne (Australia), tạo ra một cuộc tranh luận xung quanh các khái niệm về mật độ và độ nén.

So sánh với các đô thị trên thế giới, ông Andrew Stiff nhận xét, mối quan hệ của cư dân phường 14 và 15 đã phát triển bền chặt trong suốt 40 năm qua. Không gian đã được tu bổ và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của địa phương. Người dân có ý thức về quyền sở hữu, không chỉ ngôi nhà, mà cả cộng đồng đều có trách nhiệm trong việc sử dụng không gian công cộng. Tuy nhiên, những khu vực này chưa được ghi nhận bởi chính quyền địa phương, những người giám sát quá trình tái phát triển. Giờ đây xem như nó thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn, thứ họ quan tâm là giá trị đầu tư của thị trường bất động sản; người dân địa phương sẽ di dời và hầu như không có cơ hội tái định cư.

Ông Andrew Stiff cho rằng, khi xây dựng các kế hoạch phát triển nhà ở, điều quan trọng là cộng đồng địa phương phải được tham gia vào kế hoạch. Nghiên cứu tại quận 4 cho thấy, không chỉ ghi lại hình dạng của các con hẻm mà còn thể hiện văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn, quản lý mật độ theo cách tự thỏa thuận.

Kiến thức này là chìa khóa để phát triển thành phố dành cho tất cả mọi người, nhưng cũng phát triển thành phố dựa trên văn hóa của khu vực. Điều quan trọng là TPHCM tin vào giá trị văn hóa của mình và không áp đặt bởi văn hóa và hình ảnh các thành phố ở những bối cảnh hoàn toàn khác.

“Chúng ta nhìn thấy sự phát triển của Dubai và Singapore, nhưng họ cũng đã mất rất nhiều. Họ không có văn hóa, họ phải nhập khẩu hoặc chiếm đoạt. Khu phố Heygate tại Luân Đôn cũng tương tự. Sau khi “lột đi” làm lại nó không còn hình ảnh của Luân Đôn nữa, nhiều khu vực tại đây không còn người Luân Đôn sinh sống, phần lớn là các nhà đầu tư, họ không có ý định sinh sống, chỉ cho thuê qua các dịch vụ trực tuyến như AirBnB. Hãy để không gian cho người dân tùy chỉnh, phù hợp với môi trường xung quanh, điều này góp phần tạo nên nét riêng của thành phố, tạo dựng một hình ảnh khiến nhiều du khách phải đến đây”, ông Andrew Stiff nhận xét.

Từ đây, vị giảng viên của Đại học RMIT cho rằng, tổ chức tái định cư tại chỗ cho người dân, giữ lại lao động tại trung tâm cũng là điều nên làm… 

Tin cùng chuyên mục