Giữ bản sắc để hội nhập

Giữa một rừng những bộ phim ra đời mỗi năm, câu chuyện giữ được tính bản địa bên cạnh tạo điểm nhấn ăn khách không là điều dễ dàng. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, muốn chinh phục thị trường toàn cầu, phim Việt cần kể câu chuyện của riêng mình với cách kể xuất sắc.   

Bài học thành công

Ra rạp từ ngày 8-4, Đêm tối rực rỡ dù được thực hiện bởi đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto nhưng sau khi xem phim, rất nhiều người trong giới làm phim lẫn khán giả đều thừa nhận, bộ phim mang màu sắc Việt Nam đậm nét. Khán giả có thể bắt gặp những hình ảnh quen thuộc trong đám tang ở miền Nam: mời nghệ sĩ cải lương hay những người đồng tính đến hát, hát karaoke, uống rượu bia, thậm chí là đánh bài… Đối với Toronto, đó là một sự kiện độc nhất bởi nó bao hàm quá nhiều hình ảnh, cũng như các yếu tố tạo nên tính văn hóa thường nhật. 

Một cảnh trong phim Gái già lắm chiêu V
Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, để xuất khẩu, trước hết phim Việt phải mang bản sắc địa phương. Anh tin một bộ phim chạm đến vấn đề quen thuộc, đại chúng dù được thể hiện theo cách nào vẫn khiến khán giả quốc tế có thể hiểu, cảm nhận được. Quan trọng hơn, trong xu hướng toàn cầu hóa, nhiều bộ phim có tính bản địa cao kích thích sự tò mò, nhu cầu tìm hiểu về nền văn hóa khán giả chưa biết. Vấn đề đặt ra, bản sắc văn hóa ấy phải được thể hiện độc đáo, mới lạ. Quảng bá văn hóa qua điện ảnh là chiến lược đúng đắn và là con đường ngắn nhất. Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng cho biết: “Khán giả quốc tế thường quan tâm và đặt câu hỏi một bộ phim có gì để xem. Khi ra thị trường quốc tế, muốn khẳng định đó là phim Việt, cốt yếu là phải tạo được nội dung gốc, kể những câu chuyện bắt nguồn từ đời sống xã hội của chính người Việt mới tạo được bản sắc riêng”.

Cùng với nội dung, cách kể chuyện tốt là điều kiện đủ để nâng tầm vị thế phim Việt. Đạo diễn Aaron thừa nhận, chính sự ngưỡng mộ với văn hóa Việt Nam là “vũ khí” mạnh nhất của anh ở dự án này. Xuyên suốt 16 năm sinh sống tại Việt Nam như một người trong cuộc nhưng lại có cặp mắt của người ngoài cuộc giúp anh có những quan sát tỉ mỉ, tinh tế và bình tĩnh để mang đến cho khán giả trải nghiệm tưởng như quen thuộc song cũng đầy bất ngờ, chấn động và đau đớn.  

Nói như đạo diễn Charlie Nguyễn, dù kể câu chuyện của mình nhưng phải học được cách kể câu chuyện thật tốt và làm sao để kể hiệu quả, hấp dẫn, lôi cuốn nhằm thu hút khán giả. Điều này phụ thuộc vào kỹ năng của người kể chuyện và xây dựng nhân vật. Trong khi đó, theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, muốn tự tin giới thiệu tác phẩm ra nước ngoài, bộ phim đó ít nhất phải tiệm cận chất lượng quốc tế, chỉn chu trong từng khung hình về phục trang, màu sắc, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc… Tác phẩm đó phải có ngôn ngữ điện ảnh phổ quát khiến khán giả dù khác tiếng nói, văn hóa vẫn hiểu được thông điệp, câu chuyện. Anh phân tích: “Điện ảnh Việt đang đi sau thế giới. Họ đã có những chuẩn cơ bản nên trước hết chúng ta phải đạt điều đó mới chinh phục khán giả. Chưa kể, họ đã được giáo dục về tính thẩm mỹ trong nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng từ khi còn rất nhỏ”.  

Trông người, ngẫm ta

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, vì vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, điện ảnh Việt chưa có tác phẩm tạo nên niềm tự hào về những khía cạnh văn hóa đặc sắc. Anh cũng cho rằng, phim điện ảnh ở các nước đưa yếu tố văn hóa vào phim rất tinh tế, trong khi phim Việt chưa làm được điều đó. 

Văn hóa ma chay là một điểm nhấn trong Đêm tối rực rỡ 
Đó cũng là lý do khi tham gia các liên hoan phim hay giải thưởng điện ảnh quốc tế, phim Việt chưa tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt. Ngay cả việc phát hành trên các nền tảng trực tuyến lớn, hầu hết phim Việt chỉ được trình chiếu giới hạn cho riêng khán giả trong nước, hoặc xa hơn là trong khu vực. Hiếm hoi lắm mới có những đại diện như: Hai Phượng, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả… được phát hành trên phạm vi toàn cầu. Đạo diễn Namcito của Gái già lắm chiêu từng chia sẻ, để đạt được thỏa thuận phát hành tại 190 quốc gia, bộ phim phải thuyết phục bằng nội dung, chất lượng và quy mô của dự án, nhất là chăm chút tỉ mỉ khâu sản xuất bối cảnh, đạo cụ, thời trang, âm nhạc và thể hiện được các nét đẹp văn hóa tinh thần rất riêng của Việt Nam.  


Yếu tố chất lượng khiến phim Việt khó cạnh tranh khi ra quốc tế ở cả phương diện phát hành thương mại và thi thố gặt hái giải thưởng. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tính chuyên nghiệp của thị trường cũng như quy trình sản xuất. Đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích: “Hiện nay chưa có đoàn phim nào mạnh ở tất cả các mặt, nhiều khi mạnh điểm này, yếu điểm kia. Ngoài vai trò lớn của biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất một bộ phim muốn thành công phụ thuộc vào cả trăm con người trong ê-kíp. Do đó, phải đạt sự chuyên nghiệp và đồng bộ ở tất cả các khâu”.   

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, điện ảnh chưa tạo ra sức hút để thu hút các tài năng lớn. Để vận hành nền điện ảnh giống như ngành công nghiệp, cần có sự vào cuộc của các cấp quản lý, đội ngũ sáng tạo, thực hành… Chúng ta cũng đặc biệt cần thế hệ diễn viên có sắc vóc, được đào tạo bài bản và sống được bằng nghề. Nhận thức được các vấn đề nội tại còn thiếu hụt để cởi trói cho nền điện ảnh, mở ra cơ hội cọ xát quốc tế và xây dựng những nền tảng tốt nhất cho điện ảnh vươn xa.

Một số vở kịch xiếc như À ố show, Làng tôi... hay các vở diễn thực cảnh như Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An... khi công diễn, lưu diễn nước ngoài được đón nhận nồng nhiệt. Tính bản địa cũng được thể hiện qua lĩnh vực kiến trúc với nhiều công trình được giải thưởng quốc tế. Ở lĩnh vực âm nhạc, nhiều nghệ sĩ Việt đã sử dụng âm nhạc dân gian biến tấu và nâng tầm nó thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống: cải lương, tuồng, chèo, đờn ca tài tử… được các bạn trẻ tiếp cận, phát triển và đẩy mạnh số hóa với mục tiêu lan tỏa sâu rộng giá trị ấy. Bản sắc văn hóa chính là “sức mạnh mềm” trong xu hướng toàn cầu hiện nay.

Tin cùng chuyên mục