Giữ an toàn trật tự xã hội trong mùa dịch

Báo SGGP ngày 13-4 có bài “Giữ kỷ cương pháp luật khi phòng chống dịch”, nêu vấn đề trong khi cả nước đang cùng chung tay, góp sức phòng chống dịch Covid-19, lại có những người thiếu ý thức trách nhiệm, xem thường pháp luật, có hành vi vi phạm an toàn trật tự xã hội, gây thêm hiểm họa cho cộng đồng. Bạn đọc Báo SGGP đã góp thêm ý kiến, phê phán các hành vi này và nêu giải pháp giải quyết, khắc phục. 
Giữ an toàn trật tự xã hội trong mùa dịch

Xử nghiêm hành vi chống đối công tác phòng dịch

Gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ chống đối, tấn công gây nguy hiểm cho lực lượng thực thi công tác phòng chống dịch. Cụ thể như: trốn cách ly, hành hung công an tại chốt kiểm dịch, dùng hung khí tấn công tổ công tác phòng dịch…

Mới đây, ngày 12-4, trên mạng xã hội lan truyền clip hơn 4 phút ghi lại cảnh một người đàn ông không đeo khẩu trang, không chấp hành việc đo thân nhiệt tại chốt kiểm dịch giáp ranh giữa thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), lại còn hống hách đập bàn, chỉ vào mặt, mắng những người làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch. Điều rất đáng phê phán, người đàn ông có hành động vi phạm trên là ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản. Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cả nước đang chung tay phòng chống dịch, bản thân là một cán bộ nhưng ông Thanh lại có hành động sai trái, phản cảm như vậy. Không có một lý do nào để biện minh cho hành động trên. Trong thời điểm này, lập chốt kiểm tra thân nhiệt là việc cần làm, ai cũng phải chấp hành. Là cán bộ, càng phải nêu gương đi đầu, không thể tự đặt mình đứng trên pháp luật. Nếu việc nào thấy chưa được, thì góp ý, phản ánh với cơ quan chức năng, chứ không được hành động như vậy.

Để giữ an toàn và trật tự xã hội trong mùa dịch, các cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi: không chấp hành các  quy định về phòng chống dịch bệnh, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, khai báo y tế gian dối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly y tế; cản trở công tác phòng chống dịch, vi phạm quy tắc an toàn nơi đông người; tung tin bịa đặt về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội; lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi; chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… Đối với những vụ cán bộ vi phạm, gây mất an toàn xã hội trong mùa dịch đã bị phát hiện (như đầu cơ khẩu trang, tổ chức lễ cưới cho con trong mùa dịch, tụ tập ăn nhậu xảy ra vụ rơi từ cao ốc chung cư tử vong, chống đối kiểm tra thân nhiệt) cần xử lý nghiêm minh.

 TƯƠNG QUAN quận 7, TPHCM

 
Khắc phục nghịch lý đường vắng, tai nạn giao thông lại tăng

Trong tháng 3, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở một số địa phương tăng cao; riêng tại TPHCM, đã tăng 33% về số vụ và tăng 46% số người chết so cùng kỳ. Đây là một nghịch lý, bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, trường học đóng cửa, hoạt động kinh tế suy giảm, nên số người và xe cộ lưu thông trên đường giảm mạnh, không có tình trạng ùn ứ giao thông, vậy mà vi phạm về an toàn giao thông lại tăng lên. 

Đường vắng, giao thông thông thoáng, thuận tiện, CSGT vắng, nên có những người tham gia giao thông chủ quan, cố ý vi phạm Luật Giao thông, đi xe máy chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến, chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, bất cẩn khi điều khiển phương tiện. Không hiếm người vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại hay gõ tin nhắn trên điện thoại; không giảm tốc độ khi rẽ hay qua giao lộ, chạy cắt mặt phương tiện khác... Điều này cho thấy, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một số người dân còn hạn chế. 

Trước đây, khi số vụ TNGT xảy ra nhiều, nhiều ý kiến phân tích nhắc đến thực trạng bất ổn là lưu lượng xe quá lớn, nhưng nay lưu lượng xe giảm đi, mà số vụ TNGT lại tăng lên. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu của TNGT chính là do hạn chế về ý thức của người điều khiển phương tiện. Không ít người chỉ quan tâm đến yếu tố tiện lợi, nhanh chóng mà ít chú ý đến việc bảo đảm an toàn cho bản thân và người đi đường. Không ít người trước đây cố gắng chấp hành luật đi đường chỉ vì lo sợ bị phạt, nay vắng CSGT trên đường thì họ lại vi phạm. Tức là, ý thức chấp hành pháp luật của một số người còn ở mức thấp, chỉ sợ bị chế tài chứ chưa tự giác chấp hành, chưa thể hiện yếu tố văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông, thậm chí xem thường tính mạng. Có nhìn đúng bản chất của hiện tượng này thì mới có thể có những giải pháp khắc phục phù hợp.

Trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, phải hạn chế ra đường để phòng dịch, nên tình hình giao thông sẽ còn tiếp tục thông thoáng. Nếu ý thức của người dân trong việc chấp hành luật giao thông không được nâng cao, việc kiểm soát và xử lý của CSGT không kiên quyết, thì nguy cơ TNGT có thể còn ở mức cao.

Với tinh thần cố gắng duy trì cuộc sống một cách bình thường trong điều kiện cho phép, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, vừa cẩn trọng phòng ngừa dịch Covid-19, vừa phòng tránh TNGT khi ra đường. Cần chú ý cảnh báo nhiều hơn về vấn đề này; đề cao vai trò và trách nhiệm của CSGT trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, nhất là với các trường hợp cố ý nguy hiểm như đua xe, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ. 

TRÚC GIANG quận 3, TPHCM

Tin cùng chuyên mục