Giới trẻ hào hứng “nhập vai thực tế”

Việc một bộ phận người trẻ tìm đến Escape The Room như một trải nghiệm đòi hỏi sự vận động của trí óc đang trở thành một xu hướng, dù rằng số tiền bỏ ra để có thể tham gia trò chơi là không nhỏ. 
Giới trẻ Việt Nam hào hứng với Escape The Room. Nguồn: Internet
Giới trẻ Việt Nam hào hứng với Escape The Room. Nguồn: Internet

Không ít bạn trẻ từng một vài lần nhập vai vào những nhân vật trong game để trải nghiệm cảm giác phiêu lưu kỳ thú. Tuy nhiên, đó chỉ là những chuyến phiêu lưu bằng hình ảnh và trí tưởng tượng. Vài năm trở lại đây, khi trò chơi nhập vai thực tế có tên Escape The Room ra đời, đã lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo người trẻ.

Escape The Room bắt nguồn từ một trò chơi điện tử cùng tên của Nhật Bản. Năm 2008, trò chơi này đã được chuyển thể từ dạng online ra đời thực và lần đầu được trình làng ở Nhật. Trước khi Escape The Room xuất hiện, người ta chỉ biết phiêu lưu trên internet hoặc có chăng là những cú tẩu thoát khỏi mê cung trận ở một vài điểm vui chơi giải trí. Bởi vậy, sau khi xuất hiện tại Nhật Bản, Escape The Room đã minh chứng được sức hút khi nhiều nước như Thụy Sĩ, Hungary, Singapore, Malaysia… lập tức mua bản quyền và trò chơi thực tế này trở thành điểm đến lý thú của giới trẻ.

Escape The Room xuất hiện tại Việt Nam khá muộn, mãi đầu năm 2014 trò chơi này mới lần đầu ra mắt người chơi ở Hà Nội. Cũng chính vì sức hút “không thể cưỡng lại” theo như nhiều bạn trẻ đánh giá mà Escape The Room nhanh chóng Nam tiến. Cuối năm 2014 nó đã có mặt ở TPHCM. Người chơi Escape The Room sẽ được đưa vào một phòng tối và khóa lại trong vòng 40 hoặc 60 phút, phòng được thiết kế với những chướng ngại vật và không gian như thật để người chơi vượt qua thử thách bằng mưu trí và hành động. Trương Minh Tú (sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải), một tín đồ của Escape The Room, cho biết: “Trò chơi này đánh trúng tâm lý tò mò và thích khám phá của giới trẻ, vì vậy ngay khi nghe tới nó, tôi đã quyết tâm phải lập nhóm để chơi thử, không ngờ ghiền thật. Nếu chơi game, người chơi chỉ tương tác vào nhân vật ảo thì ở đây người chơi là những nhà trinh thám, tự mình thực hành những suy đoán trong đầu với khoảng thời gian nhất định để có những trải nghiệm rất thực. Nó giúp cho mỗi người rèn tính nhanh nhạy, logic, khả năng phán đoán, trí tưởng tượng phong phú và luyện cách làm việc nhóm. Tôi nghĩ đây là trò chơi bổ ích mà người trẻ nên trải nghiệm”. 

Cho đến nay, Escape The Room đã có nhiều điểm tại TPHCM, như Lost Escape Room (quận 1), Locked Escape Room, Escape Room Việt Nam (quận Tân Phú), We Escape Saigon (quận Bình Thạnh)… Mỗi điểm có thiết kế riêng với các cốt chuyện khác nhau nhưng đều có yếu tố bí ẩn, gây tò mò, đòi hỏi người chơi phải giải đáp các câu đố hóc búa, có bản lĩnh để vượt qua những “trận địa” rùng rợn và phải dùng mưu trí để thoát khỏi những ma trận hiểm hóc. Cũng tùy cốt chuyện mà thời gian chơi được thiết kế khác nhau. Với những tên gọi như Nobita và món quà cuối cùng, Căn nhà bong bóng, Tên trộm thế kỷ, Vượt ngục…, mỗi phòng chơi phù hợp với từng độ tuổi.

Thông tin từ các điểm Escape Room cho thấy, trò chơi này không kén người chơi nhưng để chiến thắng đòi hỏi phải luyện thật nhiều. Hiện giá vé trung bình mỗi lượt chơi từ 129.000 - 245.000 đồng/người vào ngày thường, riêng ngày lễ và cuối tuần, giá vé từ 149.000 - 285.000 đồng/người (tùy phòng). Tuy số tiền bỏ ra cho từ 45-60 phút chơi là không nhỏ nhưng Escape The Room vẫn luôn kín phòng.

Hiện nay, giới trẻ Việt Nam dường như có rất ít những thú vui giải trí tạm gọi là lành mạnh. Nhiều bạn trẻ chọn cách giải trí bằng nhậu nhẹt, đàn đúm, tụ tập và chơi game online thâu đêm suốt sáng với đủ mọi hệ lụy đi kèm. Thú vui lành mạnh, có chăng là những chuyến phượt, vui chơi dã ngoại, tìm đến các khu vui chơi giải trí với những trò chơi mới du nhập gần đây như lập đội bắn súng sơn, chèo thuyền kayak… Việc một bộ phận người trẻ tìm đến Escape The Room như một trải nghiệm đòi hỏi sự vận động của trí óc đang trở thành một xu hướng, dù rằng số tiền bỏ ra để có thể tham gia trò chơi là không nhỏ. Điều này cho thấy, người trẻ Việt đang thiếu những sân chơi thật sự lành mạnh, bổ ích, phù hợp với độ tuổi, trình độ và yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục