Gió qua thềm cũ

Mỗi khi thấy ai đó “rục rịch” xây nhà, trong tôi lại xốn xang một phần ký ức về ngôi nhà tuổi thơ. 
Ảnh: N.HÀ
Ảnh: N.HÀ

Xây nhà là cách dùng từ thời hiện tại, vì bây giờ dù cuộc sống có chật vật tới đâu thì người ta cũng cố gắng “cuốn nền” và đổ bộ cột bê tông cho chắc chắn; các phần còn lại có ra ngô ra khoai gì, từ từ rồi tính.

Ngược thời gian trở về thời của 30 năm trước, gia đình nào có điều kiện kinh tế lắm mới nghĩ đến chuyện xây nhà, đa phần còn lại thường cũng cố gắng cuốn được cái nền, rồi cứ cột tràm từ cây lá vườn nhà lâu năm, sau khi đốn và ngâm sâu dưới mương ngập nước đến vài mùa, “lôi lên” dựng. Và, cố thêm chút nữa thì có thêm bộ đòn tay rồi lợp fibro xi măng, không thì thêm rui mè và lợp ngói Phú Hữu, còn nếu gia đình nào quá khó khăn thì lợp và vừng vách bằng lá dừa nước.

Nhìn chung ở nông thôn ngày đó, đa số vùng quê nào cũng vậy, ít có khu vực nào mang tính cá biệt. Chính vì những ngôi nhà tạm bợ, ít tính bền vững đó cho nên chỉ vài năm sau, có khi chỉ một năm, qua các cơn dông lốc, ngôi nhà đã đổ sập, không chịu đựng nổi “đường đi và sức mạnh của những cơn gió”.

Thế rồi, có khi gia đình sắp xếp lại đồ đạc và dựng lại nhà trên nền ngôi nhà cũ và nền nhà được xê dịch một chút so với trước, rộng hơn, dài hơn hoặc sâu hơn một chút so với mé sông chảy ngang ngõ nhà, cốt là để tránh sạt lở theo thời gian bồi lở của từng con nước lớn ròng của đồng bằng châu thổ này. 

Trong số những ngôi nhà xê dịch sau những cơn dông lốc đó, có ngôi nhà thời thơ ấu của anh em tôi. Khi ngôi nhà trên nền đất cũ bị sập, vì 4 anh em tôi, đứa lớn nhất mới trên 10 tuổi, đứa nhỏ nhất là tôi, mới 6-7 tuổi, cha mẹ tôi, không phải lúc nào cũng ở sát bên con, ngại con sông chảy vắt qua ngõ nhà, anh em tôi rượt đuổi, níu kéo nhau lỡ trượt chân, quyết định dời nhà thụt sâu vào đến mấy công đất so với nền nhà cũ. Trong thời gian dựng lại nhà trên nền đất mới, anh em tôi hay được mẹ trải chiếc chiếu cũ, hơi rách đường gân ngoài viền một chút, để chơi cho sạch, ít lấm lem, để bà đỡ vất vả trong khâu giặt giũ. 

Nhà mới cũng được dựng xong, cũng lợp lá, vách lá và nền đất. Chỉ sau ít ngày hào hứng với ngôi nhà mới, rồi thì tất cả đều trở lại nếp sinh hoạt cũ. Chỉ duy nhất một điều làm cha mẹ tôi yên tâm hơn là nền nhà mới cách con sông chảy vắt ngang ngõ khá xa.

Sau mấy tháng mưa dầm dề ở miền Tây này, đất trên nền nhà cũ đã tơi xốp ra dần, chỉ còn chút ít cảm giác nơi đó từng là nền của một ngôi nhà. Cha tôi bắt đầu xới đất và lên từng luống nhỏ để mẹ tôi trồng các loại rau như diếp cá, húng lủi. Xung quanh diện tích ở nền ngôi nhà cũ, cha tôi lên 4 luống theo chiều dài, chiều rộng của nền nhà cũ để mẹ tôi gieo hạt dưa chuột và khổ qua. Chẳng mấy chốc, khổ qua và dưa chuột trổ bông vàng đều, trông rất đẹp mắt.

Thời gian đầu, 1-2 năm sau khi chuyển nhà sâu vào bên trong, thỉnh thoảng mọi người có nhắc về ngôi nhà trên nền đất cũ, dần mọi thứ như trôi theo dòng nước rì rầm chảy ngang qua ngõ nhà và xuôi ra biển mất. Nhưng với riêng tôi thì khác, trên nền nhà cũ đó, anh em tôi cùng với những đứa trẻ láng giềng khác, từng có nhiều ký ức tươi đẹp với những trò chơi như: bắc kim thang, chơi cò bẹp, chơi giựt cờ… mà cho đến bây giờ, sau mấy mươi năm, tôi vẫn nghe rưng rưng một miền cảm xúc cũ. 

Cái hôm đưa cha tôi về lại quê nhà để an nghỉ vĩnh hằng, từ dưới chiếc tàu to, đội đạo tỳ vô tình để cha tôi tạm xuống nền ngôi nhà cũ trong lúc nghỉ tay, trước khi đưa cha tôi vào gian giữa của ngôi nhà chính nằm hơi sâu bên trong, tự dưng một cơn gió thổi ngang qua, tôi cảm nhận chút lạnh dày, một chút buồn không thể tả.

Như một hình ảnh từ trong tâm thức bày ra trước mặt tôi: Ở ngôi nhà trên nền đất cũ này, là hình ảnh bữa cơm chiều với cha mẹ tôi và 4 anh em đang tuổi lớn chúng tôi cùng chộn rộn xung quanh, có cả tiếng chí chóe cãi nhau của những đứa trẻ, chủ yếu là giành nhau chỗ ngồi gần cha gần mẹ… Một gia đình êm ấm, một hình ảnh sum vầy trên nền ngôi nhà cũ, kể từ thời điểm đó, vĩnh viễn mất đi, không bao giờ có thể tìm lại được nữa.

Gió qua thềm cũ chứa cả ấu thơ của anh em tôi, của những đứa trẻ cùng trang lứa với bọn tôi ở thời đó. Để rồi đến mấy mươi năm sau, cũng tại thềm cũ này, người ta đã vô tình đưa cha tôi tạm dừng lại trước khi vĩnh viễn nằm xuống quê hiền. 

Gió qua thềm cũ cho tôi hít thở một trời quê. Tôi cũng đã giữ lại trong lòng mình một trời yêu thương thẳm sâu nơi thềm cũ này.

Tin cùng chuyên mục